Đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước

Dịch Covid-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu và chuỗi cung ứng hàng hóa. Trước tình hình này, các doanh nghiệp đã tập trung khơi thông chuỗi liên kết từ sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ trong nước, để kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là thời điểm thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: NGỌC MAI
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C. Ảnh: NGỌC MAI

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động mạnh đến tâm lý người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn Hà Nội. Hoạt động thương mại trong các tháng đầu năm 2020 đã giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4-2020 chỉ đạt 32,1 nghìn tỷ đồng, giảm 19,1% so với tháng trước và giảm 27,7% so cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 ước tính đạt 1,18 tỷ USD, giảm 7,4% so với tháng trước và giảm 0,8% so cùng kỳ năm 2019. Tính chung bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 4,3 tỷ USD, giảm 4,7% so cùng kỳ năm trước.

Trong tình hình đó, nhiều doanh nghiệp phải chuyển hướng sang khai thác thị trường trong nước. Công ty TNHH Hoàng Phát (huyện Thạch Thất) trước những khó khăn khi việc xuất khẩu các mặt hàng đồ gỗ như ghế ăn trẻ em, cũi ngủ… sang thị trường Trung Quốc, đã đẩy mạnh cung ứng cho thị trường trong nước, tìm kiếm các đại lý phân phối tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Vũ Thanh Sơn cho rằng, thị trường trong nước nói chung, Hà Nội nói riêng là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp và còn nhiều dư địa phát triển. Đơn vị chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Theo thống kê của ngành công thương, tỷ lệ hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị trong nước ngày càng được duy trì ở mức cao, như tại hệ thống siêu thị Vinmart, hàng sản xuất trong nước chiếm khoảng 63%; tại hệ thống Saigon Co.opmart chiếm hơn 90%… Tỷ lệ hàng sản xuất tại Việt Nam tại các siêu thị nước ngoài như Lotte, Big C, Aeon cũng chiếm từ 60 đến 96%...

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sở đang triển khai các giải pháp, kế hoạch để hỗ trợ doanh nghiệp tạo chuỗi liên kết sản xuất phân phối ngay tại thị trường trong nước, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam, nhất là với mặt hàng nông sản. Mới đây, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức hoạt động liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong năm 2020. Theo kế hoạch này, thành phố sẽ tổ chức các hội nghị, hoạt động giao thương, trưng bày sản phẩm; hỗ trợ đơn vị khảo sát địa điểm, ký kết hợp đồng, thỏa thuận ghi nhớ… nhằm kết nối, khai thác, tiêu thụ nông sản thực phẩm, hàng hóa lợi thế của các tỉnh, thành phố đưa về thị trường Hà Nội, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Thành phố sẽ tổ chức các tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương tiêu thụ, xuất khẩu, đồng thời hỗ trợ quảng bá, giới thiệu đến người tiêu dùng. “Hoạt động này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động, linh hoạt tổ chức sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cân đối cung - cầu”, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết.

Cũng theo đại diện Sở Công thương Hà Nội, để có thể chinh phục người tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp cần nắm bắt được đúng thị hiếu, nhu cầu của từng đối tượng, khu vực khách hàng. Đồng thời, cải tiến mẫu mã, cơ cấu lại khâu sản xuất, giảm giá thành, nâng cao chất lượng hàng hóa, đẩy mạnh tăng trưởng cho thị trường trong nước. Từ thị trường Hà Nội, hàng hóa sẽ đến thị trường cả nước, giúp doanh nghiệp có thể đứng vững trong thời điểm khó khăn hiện nay, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể quay lại thị trường thế giới khi dịch Covid-19 qua đi.

Bên cạnh các giải pháp phát triển thương hiệu Việt Nam và thị trường trong nước, thành phố Hà Nội cũng đang đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Chương trình hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, các đơn vị thuộc ban chỉ đạo đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong thực hiện cuộc vận động. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, giới thiệu tôn vinh sản phẩm, hàng hóa Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được bình chọn, công nhận “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”. Đồng thời, đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Trong giai đoạn các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, rất cần nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước, bằng việc ưu tiên lựa chọn, sử dụng hàng Việt Nam.