Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong cải cách hành chính

Thành phố Hà Nội hiện đang đứng thứ hai toàn quốc trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính. Không bằng lòng với kết quả này, thành phố đang tiếp tục phấn đấu đưa các chỉ tiêu của thành phố về cải cách hành chính phải bằng hoặc cao hơn yêu cầu của Chính phủ đề ra.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Hà Đông. Ảnh: MINH HÀ
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận một cửa UBND quận Hà Đông. Ảnh: MINH HÀ

Tăng cường đối thoại

Cải cách hành chính (CCHC) được Hà Nội xác định là “chìa khóa” quan trọng, quyết định thành công các chương trình, mục tiêu của địa phương, cũng như thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, công tác CCHC đã được triển khai bài bản, thu được nhiều kết quả tích cực, xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt giúp tiết kiệm thời gian, công sức của các tổ chức và cá nhân khi có nhu cầu giao dịch hành chính. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, bước đầu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Từ đầu năm đến nay, UBND quận Hà Đông và các phường trên địa bàn đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với các tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính và giải quyết thủ tục hành chính. Các cuộc đối thoại đều có sự tham dự của lãnh đạo quận và phường, cho nên đã thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Đây là dịp để người dân, tổ chức trao đổi, phản ánh về các nội dung liên quan thủ tục hành chính, như vậy đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra. Nhiều thắc mắc của người dân như xác nhận hộ khẩu thì đến bộ phận nào giải quyết; trình tự, thủ tục như thế nào, thời gian giải quyết bao lâu; bản sao sổ hộ khẩu đã chứng thực có được dùng để xác nhận tình trạng hôn nhân để vay vốn ngân hàng được không; thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, đã được các cán bộ của quận, phường giải thích, hướng dẫn cụ thể. Những ý kiến góp ý như việc làm đăng ký khai sinh theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn chậm so với quy định; đề nghị chọn cán bộ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính tại công an quận có ứng xử nhẹ nhàng để hướng dẫn những người già làm thủ tục hành chính được tốt hơn, đã được tiếp thu, ghi nhận để có hướng khắc phục. Đáng chú ý, quận đã vận hành hệ thống wifi phủ sóng toàn bộ trụ sở quận để phục vụ cán bộ, công chức, viên chức và công dân khi đến làm việc.

Nhờ thái độ nghiêm túc trong làm việc, cầu thị trong tiếp thu ý kiến nhân dân, sáu tháng đầu năm nay, quận Hà Đông đã tiếp nhận 6.333 hồ sơ, trong đó, có 3.387 hồ sơ tiếp nhận qua hình thức trực tuyến. Quận đã trả trước hạn bốn hồ sơ, đúng hạn 5.750 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99,95%. Hiện quận đang triển khai 34 thủ tục hành chính theo dịch vụ công mức độ 3, tại cấp phường là tám thủ tục.

Chị Phương Dung (ở phường Quang Trung, quận Hà Đông) cho biết: Các buổi đối thoại không chỉ giúp chúng tôi hiểu rõ hơn quy trình giải quyết thủ tục hành chính, mà đã giải đáp nhiều băn khoăn về lĩnh vực này. Hiện nhiều người dân chưa quan tâm lắm đến việc khai thủ tục hành chính qua mạng, nhưng qua đối thoại, tôi được biết cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, cho nên sắp tới nếu có thủ tục cần giao dịch tôi sẽ làm trực tuyến.

Không chỉ có Hà Đông, nhiều quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Tây Hồ thường xuyên tổ chức đối thoại về thủ tục hành chính với các tổ chức, doanh nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trên địa bàn.

Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Trong quá trình thực hiện CCHC, thành phố xác định rõ CCHC cần dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, cho nên đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực, nhất là công tác quản lý nhà nước. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đến hết quý II năm nay, hệ thống phần mềm một cửa điện tử dùng chung ba cấp của thành phố đã ứng dụng tại 22 sở, ban, ngành; 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, đã có 1.321 thủ tục hành chính được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (đạt 75%), trong đó mức độ 4 là 15,5%, mức độ 3 là 84,5%... Các lĩnh vực kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội đạt hơn 98%; đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến đạt 86,5%.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song so với mục tiêu, yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập quốc tế, việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiện nay chưa đạt yêu cầu. Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết: Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn gặp khó khăn do một bộ phận người dân không am hiểu về mạng in-tơ-nét. Để khắc phục, quận sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các phường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 các thủ tục liên quan công tác tư pháp, hộ tịch…

Để khắc phục tình trạng này, mới đây, TP Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”. Với các nội dung liên quan trực tiếp đến dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp, giáo dục và đào tạo, lao động, thương binh và xã hội, Ban Tổ chức mong muốn qua cuộc thi, người dân sẽ hiểu và tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ công trực tuyến. UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu đưa vào chương trình giảng dạy các kiến thức về dịch vụ công trực tuyến để mỗi học sinh sẽ trở thành một tuyên truyền viên cho gia đình. Bên cạnh đó, thành phố sẽ có nhiều hình thức tuyên truyền khác như xây dựng các đoạn quảng cáo ngắn giới thiệu dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung của thành phố bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh; phát tờ rơi giới thiệu và cổ động sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hà Nội luôn xác định CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Với quyết tâm và lộ trình, mục tiêu cụ thể, hy vọng đến năm 2020, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu 100% số các cơ quan, đơn vị của địa phương sẽ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Từng bước cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công.