Đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Phát triển kinh tế nông thôn bền vững

Không bằng lòng kết quả đạt được, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tầm cao mới, trong đó tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp với mũi nhọn là nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: GIANG SƠN
Thu hoạch lúa chất lượng cao tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai. Ảnh: GIANG SƠN

Thời gian qua, nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM. Theo đại diện UBND huyện Thanh Oai, kết quả nổi bật khi xây dựng NTM là huyện đã phát triển nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao như vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao: hơn 6.000 ha; vùng cây ăn quả gần 430 ha; vùng chăn nuôi xa khu dân cư hơn 71 ha..., nâng cao thu nhập cho nông dân. Toàn bộ 20 xã đạt chuẩn NTM, trong đó một xã đạt xã NTM nâng cao. Huyện Thanh Oai đã đủ điều kiện trình Chính phủ đánh giá, công nhận huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2020. Tuy nhiên, việc hoàn thành tiêu chí về môi trường còn khó khăn, thiếu bền vững, bởi huyện còn 51 làng nghề sản xuất thủ công, phần lớn đều sản xuất ngay trong khu dân cư. Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng cho biết, huyện xác định công tác quy hoạch sử dụng đất, nhất là quy hoạch gắn với đầu tư xây dựng các cụm điểm công nghiệp là khâu đột phá để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”, huyện Thanh Oai được UBND thành phố trao chứng nhận đầu tư bốn cụm công nghiệp với quy mô hơn 100 ha để di dời các hộ dân sản xuất trong khu dân cư, góp phần cải thiện môi trường, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Lê Ngọc Anh, mặc dù 25 xã đã đạt chuẩn NTM, huyện đủ điều kiện công nhận huyện NTM, nhưng Phú Xuyên tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Huyện sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung, cách làm trong xây dựng NTM. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, gắn với quy hoạch đã được duyệt. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM, trong đó, ưu tiên nguồn lực cho phát triển sản xuất.

Còn tại huyện Sóc Sơn, kết quả xây dựng NTM tại 25 xã và việc thực hiện các tiêu chí huyện NTM được 96% số người dân được khảo sát hài lòng. Từ đó, huyện tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của huyện và các xã, chú trọng vào các tiêu chí chưa bền vững, như: Môi trường, tổ chức sản xuất, thu nhập. Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Minh chia sẻ, nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được thành công bước đầu. Song, huyện cũng xác định, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục. Để NTM thật sự đi vào chiều sâu, huyện phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao. 

Bên cạnh kết quả đạt được rất đáng ghi nhận, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn một số hạn chế. Đó là, kết quả xây dựng NTM giữa các huyện chưa đồng đều, trong khi một số huyện đã có 100% số xã đạt chuẩn, thì vẫn còn một số huyện còn nhiều xã chưa đạt như Mỹ Đức, Ba Vì. Công tác tuyên truyền ở một số cơ sở chưa sâu, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đầy đủ nội dung, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM. Nguồn lực đầu tư xây dựng NTM vẫn chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn gặp khó khăn, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống hạ tầng nông thôn đầu tư thiếu đồng đều giữa các địa phương và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai, vệ sinh môi trường khu vực nông thôn cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là nông dân ở những nơi bị thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhiều đất nông nghiệp, còn chưa đáp ứng yêu cầu...

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để hiện thực hóa những mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn mới, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân giai đoạn 2021 - 2025. Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị được tăng cường, vững mạnh. Tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Thành phố sẽ chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 50% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ có công nghệ cao hỗ trợ trong khâu tạo giống, làm đất, bón phân, bảo vệ thực vật... nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thu nhập nông dân, phát triển kinh tế nông thôn bền vững. 

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 1-12-2020.