Đảng bộ Hà Nội gương mẫu, đi đầu

Luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác”, trong những năm qua, các tổ chức cơ sở đảng của TP Hà Nội đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị.

Cán bộ Bộ phận một cửa UBND quận Nam Từ Liêm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Duy Linh
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND quận Nam Từ Liêm giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Duy Linh

Năm 2016, quận Nam Từ Liêm là đơn vị đầu tiên trong số 30 quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội triển khai thực hiện mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”. Từ các cơ quan của quận đến UBND các phường đã xây dựng và thực hiện phương châm hành động “năm biết” (biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi và biết cảm ơn); “năm rõ” (rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả); “ba không” (không chậm trễ giải quyết hồ sơ và công việc; không sách nhiễu, phiền hà nhân dân; không để tổ chức, công dân đi lại nhiều lần). Bên cạnh đó, quận có "Thư xin lỗi" gửi đến các tổ chức, cá nhân khi chính quyền giải quyết còn chậm, chưa đúng với lịch hẹn, chưa giải quyết kịp thời công việc hành chính cho nhân dân; rồi gửi “Thư cảm ơn”, “Thư chúc mừng”, hay “Thư chia buồn”… Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Văn Hải cho rằng, tất cả những việc làm đó tuy nhỏ, nhưng đã mang lại những thiện cảm cho người dân, rút ngắn khoảng cách giữa những người thực thi công vụ với người dân, doanh nghiệp.

Tại quận Đống Đa, Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Anh Cường cho biết, thực hiện Chỉ thị số 05, Quận ủy đã chỉ đạo đẩy mạnh việc học tập, làm theo Bác tới tất cả các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gắn với nhiệm vụ chính trị, đặc thù cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện với nội dung thiết thực. Trong đó, các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ Quận ủy gương mẫu đi đầu thực hiện, chịu trách nhiệm cụ thể với từng lĩnh vực, địa bàn được phân công. Như trong công tác thu ngân sách, ngay khi có vướng mắc, khó khăn, các đồng chí trong Ban Thường vụ sẽ trực tiếp cùng cơ sở tham gia giải quyết kịp thời. Nhờ đó, trong những năm qua, quận Đống Đa liên tục đứng trong nhóm dẫn đầu thành phố về thu ngân sách. Năm 2019, thu ngân sách trên địa bàn quận đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Ở cấp thành phố, Kế hoạch số 18-KH/TU ngày 1-9-2016 của Thành ủy Hà Nội đã được ban hành không chỉ “lĩnh hội” đầy đủ yêu cầu của Bộ Chính trị nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn chọn được những điểm nhấn riêng phù hợp tình hình. Để tránh chung chung, hình thức, Thành ủy đã chỉ ra từng địa chỉ, đầu việc cụ thể, từ các ban Đảng, các sở, ngành đến các cấp ủy, đi kèm với các mốc thời gian triển khai. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành phải đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, tác phong công tác, bảo đảm gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền đối với việc giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc, nổi cộm, hạn chế, yếu kém ở mỗi lĩnh vực, địa phương, đơn vị, củng cố niềm tin trong nhân dân. Tinh thần này đã được lan tỏa mạnh mẽ thời gian qua bằng nhiều việc làm cụ thể. Rõ nét nhất là việc thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Thành ủy gương mẫu đi đầu khi hợp nhất ba Đảng bộ Khối Doanh nghiệp, Công nghiệp, Du lịch thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội. Văn phòng UBND thành phố và nhiều sở, ngành cũng thực hiện tinh giản, giảm bớt đầu mối. Thành phố đã giảm 59 phòng, ban; giảm 130 đơn vị sự nghiệp cùng hàng trăm chức danh trưởng, phó các phòng, ban; các quận, huyện, thị xã, giảm hàng nghìn thôn, tổ dân phố sau khi sáp nhập.

Nhiều việc mới, việc khó khác cũng được Hà Nội chủ động thực hiện. Như việc đánh giá cán bộ vốn được coi là khó và nhạy cảm, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 về Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội. Với những định lượng cụ thể, theo từng thang điểm chi tiết, công tác đánh giá cán bộ đã đi vào thực chất hơn. Trước đó, từ năm 2017, UBND thành phố ban hành Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, thực hiện xếp hạng hằng năm và công bố công khai để tạo động lực phấn đấu cho các cơ quan, đơn vị.

Thành phố cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính, từng bước thực hiện “đại trà” dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao ý thức, trách nhiệm và chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Tiêu biểu như việc ban hành hai bộ quy tắc ứng xử trong cơ quan, đơn vị và nơi công cộng; ban hành và triển khai hiệu quả nghị quyết và chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng yếu kém và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Đến nay, những vấn đề bức xúc, tồn đọng của nhân dân (nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị tập trung giải quyết, có chuyển biến rõ nét. Từ 200 vụ việc phức tạp được chỉ ra từ năm 2017, hiện thành phố đã chỉ đạo giải quyết, đưa ra khỏi danh sách theo dõi 144 vụ việc, góp phần quan trọng ổn định tình hình từ cơ sở.

Không chỉ ở cấp thành phố, ngay từ khi có Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, các địa phương, đơn vị đã chủ động triển khai vào thực tiễn. Bí thư, Chủ tịch UBND một số quận, huyện như Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa… đối thoại với người dân, doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, giải quyết kịp thời những vướng mắc từ cơ sở. Các huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức tăng tốc để sớm trở thành quận; huyện Đan Phượng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới nâng cao. Sở Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm. Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo lập chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư… Đây là những cơ sở, nền tảng quan trọng để thành phố thực hiện nhiệm vụ kép trong giai đoạn hiện nay, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục phát triển kinh tế.

Trong những thời điểm khó khăn, vai trò đầu tàu gương mẫu của Hà Nội càng phải được thể hiện rõ nét. Muốn vậy, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ “chúng ta phải quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với loại “vi-rút trì trệ”, nguy hại không kém Covid-19”. Thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để khơi thông nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô.