Dân vận bằng những việc làm cụ thể

Mạnh dạn đưa quy chế dân chủ vào sáu lĩnh vực được coi là khá “nhạy cảm”, quận Long Biên đã có nhiều cách làm để đưa công tác dân vận thật sự là giải pháp hiệu quả, không chỉ giúp giải quyết nhiều việc mới, việc khó, mà còn góp phần nâng cao năng lực hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở.

 Đoàn giám sát Quận ủy Long Biên kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một dự án. Ảnh: Thanh Xuân
Đoàn giám sát Quận ủy Long Biên kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng thực hiện một dự án. Ảnh: Thanh Xuân

Dự án tuyến đường 40 m từ đê Ngọc Thụy đến đường Nguyễn Văn Cừ được triển khai từ năm 2018 trên địa bàn phường Ngọc Thụy với 183 hộ dân và hơn 8.000 m2 đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Đến nay, hơn 100 hộ đã đồng thuận và bàn giao mặt bằng, chỉ còn số ít đang tiếp tục được lên phương án, phấn đấu hoàn thành dứt điểm trong năm 2020. Điều đáng ghi nhận là trong quá trình triển khai dự án không xảy ra khiếu kiện đông người, phức tạp và nhất là chính quyền chưa phải cưỡng chế bất cứ trường hợp nào. Để có được kết quả đó, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy Nguyễn Quốc Văn cho biết, việc thực hiện quy chế dân chủ đã phát huy hiệu quả cao, từ các khâu niêm yết, kiểm đếm, cơ chế chính sách, tổ chức họp dân đến việc giải đáp thắc mắc, khiếu nại đều được thực hiện công khai, kịp thời. Bất kỳ phương án nào khi trình lên quận cũng phải đầy đủ các bước này, nếu không sẽ bị trả về ngay.
 
 Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Thụy Thẩm Bá Phước cho biết, xác định công tác giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, Đảng ủy phường đã có nghị quyết riêng về công tác này, trong đó yêu cầu phải bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân, đồng thời thành lập các tổ vận động với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể để cùng tham gia tuyên truyền, vận động. “Có những trường hợp lúc đầu chưa đồng thuận, nhưng khi tổ vận động vào cuộc phân tích, động viên, gia đình đã hợp tác. Nhờ đó, 27 dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn, đến nay chưa có trường hợp nào phải cưỡng chế”, đồng chí Thẩm Bá Phước chia sẻ.
 
 Tại phường Ngọc Lâm, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình mới như giải phóng mặt bằng hay quản lý trật tự xây dựng cũng được thực hiện hiệu quả. Bí thư Đảng ủy phường Ngọc Lâm Nguyễn Văn Tuấn cho biết, không chỉ có người dân, cán bộ mặt trận, mà ngay các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy cùng tham gia giám sát các công trình xây dựng, xem có phép hay không, đã niêm yết giấy phép công khai chưa, có sai phần nào không. “Tôi thường xuyên đi kiểm tra và cũng đã phát hiện trường hợp chưa chấp hành đúng quy định khi dán giấy phép xây dựng ở chỗ khó quan sát và điện thoại ngay cho lãnh đạo UBND phường phải yêu cầu chủ nhà chấn chỉnh ngay”, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn nói và cho rằng, những việc như thế đã góp phần quan trọng để ổn định tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn.
 
 Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Nguyễn Quốc Long đánh giá, đây là hai trong số nhiều điển hình của quận trong việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình mới. Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, quận đã chủ động ban hành sáu quy chế dân chủ trên các lĩnh vực được người dân quan tâm: Trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quản lý môi trường; giải phóng mặt bằng, thu thuế hộ kinh doanh; quản lý trật tự xây dựng; trật tự đô thị. Căn cứ vào tình hình cụ thể, MTTQ và các đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện, giám sát; vừa tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc, tự giác chấp hành các quy định, vừa đưa ra những đề xuất kịp thời với các cơ quan chức năng để cởi gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai.
 
 Theo Bí thư Quận ủy Long Biên Đỗ Mạnh Hải, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các loại hình mới không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc, mà còn là cơ sở quan trọng để đánh giá năng lực cán bộ. Lúc đầu cũng có ý kiến cho rằng, khó có thể cụ thể hóa khi đánh giá chất lượng cán bộ ở các ban Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, thực tế là cơ quan nào cũng có nhiệm vụ cụ thể và nếu “chẻ” ra bằng hiệu quả công việc lại rất rõ. Thí dụ, như việc giải phóng mặt bằng tại một dự án, nếu còn mười hộ chưa đồng ý nhận tiền, cán bộ dân vận vào cuộc mà không vận động được hộ nào là không hoàn thành nhiệm vụ. “Không phải là rải được bao nhiêu tờ rơi, tổ chức được bao nhiêu hội nghị, mà phải vận động bao nhiêu trường hợp, sau vận động được bao nhiêu hộ đồng thuận mới là điều quan trọng”, lãnh đạo Quận ủy Long Biên chia sẻ.
 
 Hội Phụ nữ quận được giao nhiệm vụ xây dựng chợ văn minh, Đoàn Thanh niên trang trí các trường học, Hội Cựu chiến binh giữ gìn các nhà sinh hoạt cộng đồng… “Nếu chỗ nào không bảo đảm, hình ảnh nhếch nhác thì cứ việc kiểm tra đơn vị phụ trách là ra, rồi tổ chức chấm điểm thi đua. Ở đây, nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động phải gắn liền với hành động, chứ không chỉ dừng lại ở nói chung chung”, đồng chí Đỗ Mạnh Hải nói. Trong sáu tháng đầu năm 2020, Hội Liên hiệp Phụ nữ quận đã giám sát thực hiện vệ sinh môi trường tại 14 chợ, 57 ngõ, ngách trên địa bàn các phường, từ đó có đánh giá cụ thể và có kiến nghị khắc phục với những nơi làm chưa tốt. Hội Cựu chiến binh quận và các phường đã thực hiện 31 lần giám sát trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng, góp phần nâng cao tính minh bạch, dân chủ trong thực thi nhiệm vụ của các cơ quan chức năng… Nhờ đó, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị được nâng lên, các lĩnh vực khi thực hiện lồng ghép quy chế dân chủ đều có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo văn minh, sạch đẹp cho địa bàn.