Đa dạng hóa các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển

Trong những năm gần đây, quận Hà Đông có tốc độ phát triển nhanh, nhất là tốc độ đô thị hóa cao, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của quận còn chưa tương xứng với tiềm năng của một địa bàn có nhiều lợi thế về vị trí, nguồn lực, đòi hỏi trong nhiệm kỳ mới, hệ thống chính trị của quận cần có các giải pháp bứt phá hiệu quả hơn.

Quận Hà Đông là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển nhanh, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: HẠ VŨ
Quận Hà Đông là một trong những địa bàn có tốc độ phát triển nhanh, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: HẠ VŨ

Còn nhiều dư địa

Bí thư Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thanh Xuân cho biết, nhận thức rõ nhiệm vụ phải phát triển nhanh hơn nữa, ngay sau khi Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 21, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được tổ chức thành công, quận đã bắt tay triển khai các nhiệm vụ với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm. Đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ quận đã ban hành Nghị quyết phân công nhiệm vụ cho các Ủy viên và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ quận, Ban Thường vụ và Thường trực Quận ủy; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Quận ủy; hoàn thiện, ban hành sáu chương trình, đề án của Quận ủy giai đoạn 2020 - 2025. Cùng với đó, các cấp ủy trực thuộc cũng đã nghiên cứu, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội đảng bộ bằng các chương trình, đề án, kế hoạch công tác. 

Quận cũng thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Nhờ đó, trong 10 tháng năm 2020, quận thu ngân sách đạt hơn 2.524 tỷ đồng, bằng 68,7% dự toán giao. Cơ cấu kinh tế của quận chuyển dịch theo hướng tích cực và cơ bản phù hợp với xu hướng phát triển chung của TP Hà Nội: giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp, nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho rằng, mặc dù có vị trí, quy mô khá tương đồng với các quận Nam Từ Liêm hay Hoàng Mai, tuy nhiên, kinh tế của Hà Đông lại tăng trưởng không nhanh bằng, thu ngân sách còn khá khiêm tốn. 5 năm qua, dù đã có chuyển biến, nhưng thu ngân sách của quận mới đạt bình quân 3 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó nguồn thu từ đấu giá đất chiếm tỷ lệ đáng kể. Do đó, quận cần rà soát lại quy hoạch, đẩy mạnh phát triển về các dự án đầu tư, tập trung phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, từ đó, nâng cao hiệu quả thu ngân sách.

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, Hà Đông có rất nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, xây dựng đô thị văn minh, đó là tốc độ đô thị hóa nhanh, dân cư phát triển, nhiều làng nghề nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, rèn Đa Sĩ. Để phát huy các lợi thế, quận cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp; tập trung phát triển các ngành dịch vụ theo hướng chất lượng cao; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của quận.

Để phát triển ngành dịch vụ theo hướng chất lượng cao, quận cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại tại các khu đô thị mới, các tòa nhà chung cư cao tầng, bảo đảm về quy mô, số lượng theo quy hoạch được duyệt. Chú trọng phát triển sản xuất và dịch vụ, du lịch trong các làng nghề, xây dựng các làng nghề thành các điểm du lịch. Có như vậy, trong giai đoạn 2020 - 2025, quận mới có thể đạt được mục tiêu Nghị quyết đại hội đề ra là tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025 là 12,72%, trong đó dịch vụ là 16,24%; công nghiệp - xây dựng là 8,98%; thu ngân sách bình quân tăng 8 đến 10%/năm.

Chủ động, quyết liệt hơn

Nhìn rõ hạ tầng giao thông là một trong những hạn chế phát triển, quận Hà Đông đã kiến nghị thành phố tập trung đầu tư hơn nữa cho hạ tầng giao thông trên địa bàn và các huyện lân cận. Trong đó, quận đề nghị thành phố chuyển hình thức đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Chúc Sơn (quốc lộ 6 đoạn Ba La - Chúc Sơn) nằm trong dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai từ hình thức hợp đồng BT sang đầu tư công và sớm cho triển khai thực hiện; đầu tư dự án mở rộng 21B đoạn qua địa bàn quận Hà Đông và dự án mở rộng đường Phùng Hưng đoạn từ Cầu Đen đến ngã ba đường Phúc La - Văn Phú; tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư xây dựng năm tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư trên địa bàn quận Hà Đông theo hình thức hợp đồng BT. 

Cùng với đó, quận cũng đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, tỷ lệ 1/500, để làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo. Đồng thời sớm kêu gọi đầu tư thực hiện dự án khu sản xuất, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại phường Yên Nghĩa khoảng 70 ha.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, quận Hà Đông cần phải chủ động hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư, cũng như đa dạng các nguồn lực để đầu tư hạ tầng trên địa bàn. Theo đồng chí, quận Hà Đông là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, đất danh hương, có nhiều bậc hiền tài; truyền thống Đảng bộ vẻ vang; có lợi thế nằm sát với trung tâm Thủ đô, đất rộng, người đông, đây là những thuận lợi để quận phát triển. “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông phải có khát vọng trở thành cực tăng trưởng của Thủ đô; trở thành trung tâm phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch của Thủ đô”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh và yêu cầu quận cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 và Đại hội Đảng bộ quận Hà Đông lần thứ 21 đã đề ra. Trong đó, quận phải coi trọng công tác kiểm tra, giám sát để tăng cường kỷ luật, trách nhiệm và ý thức nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh hơn nữa.