Cơ hội để bứt phá

Dịch Covid-19 được kiểm soát là thời điểm vàng để doanh nghiệp trong nước khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Góp phần tạo đà cho sự phục hồi và tăng trưởng trở lại của doanh nghiệp chính là các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các giải pháp hỗ trợ về tài chính.

Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Tổng công ty May 10. Ảnh: ĐĂNG ANH
Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Tổng công ty May 10. Ảnh: ĐĂNG ANH

Kinh tế Thủ đô trong tháng 5 đã có tín hiệu tăng trưởng trở lại. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hầu hết các chỉ tiêu kết quả sản xuất, kinh doanh của thành phố trong tháng 5 đều tăng so tháng 4-2020. Cụ thể, so với tháng trước, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 12,3%. Có 25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng sản lượng, trong đó 15 sản phẩm tăng hơn 10%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tăng 20,9%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 4,7%. Tổng doanh thu ngành vận tải, dịch vụ hỗ trợ tăng 34,7%...

Kết quả này cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đã nhanh chóng bắt nhịp trở lại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Góp phần tạo đà cho doanh nghiệp chính là các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và TP Hà Nội. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh đánh giá, doanh nghiệp đang được tiếp cận các giải pháp hỗ trợ khá thiết thực, phù hợp, như các giải pháp hỗ trợ về tài chính hoặc các chương trình kích cầu nội địa, tổ chức các hoạt động xúc tiến giao thương giải phóng hàng tồn kho. Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun House Vũ Thanh Hải cho biết, doanh nghiệp đang được nhận các chính sách hỗ trợ như giãn cách thuế, phí, được hưởng gói lãi suất ưu đãi. Đây là sự hỗ trợ cần thiết bởi trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, doanh số bán hàng của tập đoàn gần như về 0, nhiều đối tác cũng chậm trả, đề nghị khoanh nợ trong một, hai tháng khiến cho doanh nghiệp bị thiếu hụt nguồn tiền. Đại diện Công ty TNHH Quốc tế Delta (quận Đống Đa) cũng cho biết, nhờ Nghị định 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ, doanh nghiệp đã được giãn, hoãn nộp thuế từ tháng 3 đến tháng 6. Đây như là “máy trợ thở” giúp đơn vị vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Về các giải pháp hỗ trợ về vốn và lãi suất, đại diện Ngân hàng Nhà nước TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp. Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã triển khai các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 đến 3%/năm. Đối với các lĩnh vực ưu tiên (gồm sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa ở mức 5%/năm. Tính đến hết tháng 5-2020, tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội ước đạt 2.163 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so tháng trước và tăng 2,4% so với cuối năm 2019. Trong đó, tỷ lệ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 19%, cho vay xuất khẩu chiếm 5,3%, cho vay phục vụ đời sống chiếm 19,4%, cho vay sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn chiếm 9,1%...

Về các khoản thuế, phí, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, Cục Thuế đã xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn, được hỗ trợ; hướng dẫn người nộp thuế nộp đơn đề nghị gia hạn qua hệ thống thuế điện tử; tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị gia hạn, đề nghị hỗ trợ của người nộp thuế đầy đủ, đúng hạn. Tính đến giữa tháng 5-2020, Cục Thuế Hà Nội đã tiếp nhận hơn 27.260 giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của người nộp thuế trên địa bàn, với tổng số tiền thuế và tiền thuê đất đề nghị gia hạn là hơn 8.623,6 tỷ đồng. Trong đó, gia hạn đối với tổ chức, doanh nghiệp là hơn 8.604,5 tỷ đồng (bao gồm tiền thuế giá trị gia tăng là 1.742,6 tỷ đồng, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp là 6.225,3 tỷ đồng, tiền thuê đất là 636,6 tỷ đồng), gia hạn đối với cá nhân kinh doanh là 19,1 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.

Đồng chí Mai Sơn cho biết thêm, từ ngày 26-5, ngành thuế tiếp tục thực hiện quy định giảm đồng loạt ở mức 50% đối với các loại phí thẩm định liên quan đến xuất bản, kinh doanh hàng hóa, cấp giấy phép thành lập sở giao dịch hàng hóa; phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài và lệ phí sở hữu công nghiệp. Như vậy, đến nay đã có 11 thông tư được ban hành, giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

Một chi phí đầu vào quan trọng của doanh nghiệp là tiền điện cũng đã được Tổng công ty Điện lực Hà Nội triển khai các giải pháp hỗ trợ. Tính đến giữa tháng 5-2020, đã có hơn 2,3 triệu khách hàng được hỗ trợ miễn, giảm tiền điện với tổng số tiền hơn 210 tỷ đồng. Với các mức hỗ trợ miễn, giảm từ 10% đến 100% cho các nhóm khách hàng khác nhau, chính sách miễn, giảm tiền điện đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.

Giám đốc Điều hành Tổng công ty May 10 Bạch Thăng Long đánh giá, Việt Nam là nước “mở cửa” sớm so với các nước khác trên thế giới sau khi dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, đây là một lợi thế lớn, là thời điểm vàng để doanh nghiệp trong nước tận dụng bứt phá, ít nhất là so với doanh nghiệp các nước thuộc khối ASEAN. Do đó, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ về tài chính, tiền tệ, cộng đồng doanh nghiệp rất mong nhận được các giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nhân lực... Hoạt động xuất khẩu đang gặp nhiều khó khăn, cho nên thành phố cần đẩy mạnh các chương trình kích cầu nội địa, tăng cường liên kết tạo chuỗi sản xuất, kinh doanh chặt chẽ, hiệu quả, thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”… Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong được giảm các chi phí đầu vào như điện, xăng; tăng thời gian giãn, hoãn nộp thuế, phí; giảm các mức thuế thu nhập doanh nghiệp… để có thể tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong thời gian tới.