Cô giáo Hà yêu nghề, mến trẻ

Xuất phát từ tình yêu thương học sinh, nhất là trẻ em kém may mắn, cô giáo Dương Thu Hà, Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Ðông, Hà Nội, trong ảnh) cùng với hai học trò tạo ra thiết bị PSE hỗ trợ học đọc cho trẻ mắc hội chứng đao (Down).

Cô giáo Hà yêu nghề, mến trẻ

Tháng 4-2018, qua một học trò cũ đang học tại Thái Bình, cô Hà biết về tinh thần vượt khó của một chàng trai bại não mang tên Ðỗ Hà Cừ. 15 tuổi, Cừ mới bắt đầu học đọc. Và từ khi biết đọc, một chân trời tri thức đã mở ra trước mắt em, mang lại niềm vui, sự hy vọng trong cuộc đời của Hà Cừ. Vì vậy, khi thấy những trẻ mắc hội chứng đao không thể đọc, viết như các em nhỏ bình thường, cô Hà rất thương cảm. Cô muốn tìm cách giúp các em có thể mở rộng tri thức thông qua việc đọc sách, báo, giống như chàng trai Hà Cừ.

Cô Hà tâm sự: “Ðặc tính của trẻ bị đao là khó học và dễ quên. Ðể dạy kiến thức cho các em, các giáo viên vô cùng vất vả”. Năm 2018, cô cùng với hai học trò của mình là em Bùi Minh Ngọc (lớp 11, Trường THPT Lê Quý Ðôn, quận Hà Ðông) và em Bùi Khánh Vy (lớp 11, Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Ðông) bắt tay thực hiện kế hoạch này. Không phải là người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, cho nên ba cô trò phải mất ba tháng để học các kiến thức nền tảng về đặc điểm của trẻ mắc hội chứng đao. Vừa đọc tài liệu, vừa tìm cách kết nối với các chuyên gia để học hỏi, bên cạnh đó, cô Hà và học trò nhiều lần trực tiếp đến các trung tâm nuôi dạy trẻ mắc hội chứng này để có trải nghiệm thực tế. Sau đó, cô giáo Dương Thu Hà và các em học sinh lên kế hoạch xây dựng thiết bị, thiết kế bài giảng kỹ năng sống dành cho trẻ đao. Thiết bị PSE tích hợp cả âm thanh, hình ảnh, ngôn ngữ biểu cảm và tương tác với trẻ dưới hình thức vận động trên viên sỏi. Mục tiêu là hỗ trợ trẻ đọc, rèn kỹ năng tự phục vụ và kỹ năng sống. Những bài học kỹ năng bằng vi-đê-ô đều do cô Hà trực tiếp lên kịch bản và hai học sinh của cô vào vai. “Ðể có sản phẩm hoàn chỉnh như hiện nay, cô, trò chúng tôi đã làm hàng trăm vi-đê-ô. Có những vi-đê-ô khi quay xong, về xem lại, cảm thấy không phù hợp, tôi lại làm lại. Có nhiều buổi ghi hình kéo dài từ 14 giờ chiều đến 21 giờ tối”, cô Thu Hà kể về những kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm việc.

Bận rộn với việc giảng dạy trên lớp và chăm lo cho hai con nhỏ, toàn bộ thời gian còn lại được cô giáo Dương Thu Hà tập trung chế tạo thiết bị PSE. Sau ba lần cải tiến và hơn hai tháng thực nghiệm tại làng trẻ Hòa Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội), phần lớn các em nhỏ đều hào hứng đón nhận. “Các em hứng thú với các kỹ năng đánh răng, rửa mặt, rửa tay và cải thiện rõ rệt về phát âm. Không chỉ trẻ bị đao, cha mẹ các em tự kỷ và tăng động cũng muốn con mình được trải nghiệm thiết bị này”, cô Hà chia sẻ.

Năm 2018, công trình của cô và các học trò đã trở thành một trong bốn sáng kiến đoạt giải thưởng cao nhất trong chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” do Trung ương Ðoàn, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức. Nữ giáo viên cho biết, nguyện vọng của cô là được các đơn vị hỗ trợ để có thể cải tiến, nâng cao chất lượng công trình. Cô Hà hy vọng thiết bị sẽ được nhân rộng để các em bị mắc đao trên cả nước có cơ hội sử dụng. Hiện tại, cô giáo Dương Thu Hà đang lên kế hoạch xây dựng một cuốn cẩm nang dành cho các bà mẹ có con mắc hội chứng đao với mong muốn cuốn sách sẽ giúp các bà mẹ vượt qua cú sốc khi biết tình trạng của con, giúp họ có động lực và kiến thức nuôi con.

Không chỉ tâm huyết với việc nghiên cứu khoa học. Năm học 2017 - 2018, chuyên đề “Học sinh Thủ đô trồng hoa tuy-líp gắn với hoạt động từ thiện” do cô Hà tổ chức đã được học sinh, phụ huynh và Trường THPT Lê Lợi nhiệt tình đón nhận. Cô đưa các em học sinh đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam học tập cách trồng hoa, gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm từ những hộ sản xuất. Sau đó, cô Hà và các học trò cùng cải tiến khuôn viên nhà trường, mỗi học sinh nhận chăm sóc vài chậu hoa. Số tiền thu được từ việc bán hoa được các em đóng góp cho quỹ từ thiện của trường. Sáng kiến của cô Dương Thu Hà đã được Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá và xếp loại là Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố năm 2018.