Chuyện mùa thu hơn 60 năm trước

Xa Thủ đô đã hơn 60 mùa thu, vậy mà mỗi lần nghe tiếng thu về, trái tim những chàng trai, cô gái thuộc lớp thanh niên xung phong của Thủ đô ngày đó lại không khỏi thổn thức, xốn xang. Bao nhiêu ký ức xưa, kỷ niệm cũ ùa về khiến họ nhớ da diết những tháng ngày gian khó, nhưng thật giàu ý nghĩa…

Bà Lê Thị Hương (bên trái) cùng những người bạn xưa ôn lại kỷ niệm ngày đầu xa Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên.
Bà Lê Thị Hương (bên trái) cùng những người bạn xưa ôn lại kỷ niệm ngày đầu xa Hà Nội đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Điện Biên.

Một ngày mùa thu tháng 10-1958, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của đồng bào Tây Bắc mến yêu, hàng trăm thanh niên Thủ đô đã lên đường về Điện Biên trong niềm vui háo hức của tuổi trẻ. Với sức trẻ và khát khao cống hiến, thiếu nữ Trịnh Thị Ngọ ở phố Lò Đúc đã giấu anh, giấu chị ghi tên vào bảng danh sách thanh niên Thủ đô xung phong đi Điện Biên, khi vừa tròn đôi mươi. “Chẳng biết Tây Bắc ở đâu, Điện Biên nơi nào, nhưng nghe lời kêu gọi thanh niên xung phong từ loa phát thanh, tôi lại thấy háo hức lạ thường, cứ như thể có ai đó thúc giục. Vậy là tôi giấu gia đình đăng ký đi Điện Biên. Cùng đợt với tôi ngày đó có gần 200 người là thanh niên các tiểu khu thuộc Hà Nội, đến Điện Biên được chia thành các tổ, đội làm nhiệm vụ sản xuất, cải tạo đất hoang, tháo dỡ bom mìn. Ngày đầu, cầm cuốc không nổi, cầm xẻng ngượng tay, vậy mà chỉ sau mấy ngày được các anh, các chú hướng dẫn, chúng tôi đã thành thạo như những người nông dân thực thụ. Nhưng đêm về, dưới những mái nhà tranh vách đất, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, bạn bè, nhớ cả con đường rợp lá me bay ở Thủ đô yêu dấu, nước mắt cứ tuôn rơi. Ai cũng đinh ninh ít nhất hết 18 tháng mới về. Thế mà nay, 61 năm đã trôi qua…” bà Trịnh Thị Ngọ dừng lời để kìm cảm xúc trào dâng, nhưng tôi vẫn thấy ẩn sâu sau những nếp nhăn trong khóe mắt của bà cụ tuổi 83 là nỗi nhớ da diết. Bởi bà Ngọ vẫn nhớ như in bao khó khăn, vất vả của lớp lớp thanh niên Thủ đô đã lội bùn dỡ mìn, thép gai để san từng hố bom trên cánh đồng Mường Thanh đặc khói súng, cho sự sống mới lên xanh.

Cũng thuộc lớp thanh niên Thủ đô xung phong đi Điện Biên trong mùa thu ấy, ở phường Thanh Trường hôm nay, chúng tôi được nghe bà Lê Thị Hương (quê tại quận Ba Ðình, Hà Nội), kể thêm nhiều kỷ niệm ở “quê hương mới”. Ngày ấy mỗi đơn vị sản xuất là một đại đội (gọi là C) thực hiện các nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, làm giao thông, thủy lợi, cơ khí, máy kéo vận tải, sản xuất vật liệu kiến thiết cơ bản... Được biên chế về C13 thực hiện nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, ngày đầu bà Hương không biết cầm liềm, nhưng sau một thời gian được mọi người chỉ bảo, thiếu nữ Hà thành Lê Thị Hương đã thành thục việc đồng áng, bốn mùa làm bạn với ruộng lúa, nương ngô.

Vịn tay vào tường để tựa lưng ngồi xuống, bà Nguyễn Thị Hồng ở C4 xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên nhớ rất rõ kỷ niệm ngày cất bước về Tây Bắc. Là một trong 400 thanh niên của Thủ đô xung phong đi Điện Biên tháng 12-1958, khi ấy thiếu nữ Nguyễn Thị Hồng vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của đời người và cũng đầy ắp những ước mơ. Bà Hồng bảo: “Phong trào thanh niên sôi sục, dù ở Hà Nội nhưng tâm trí chúng tôi lúc bấy giờ lại hướng về Tây Bắc. Ngày tôi theo đoàn đi Điện Biên, mẹ tôi khóc mãi, còn cha tôi ốm mấy tháng liền. Lúc đầu cũng chỉ định ở 18 tháng như quy định, nhưng khi ở rồi lại không muốn về, không nỡ xa anh em bạn bè, thế là tôi ở lại từ bấy đến giờ”. Mấy chục năm qua, trải qua bao nắng mưa đời người với bao kỷ niệm vui buồn, nhưng sâu sắc nhất trong ký ức của bà Hồng là những năm tháng lao động, sản xuất ở Nông trường Điện Biên. Ngày ấy, cơm độn sắn ăn với cá khô rau rừng mà lao động không mệt mỏi. Rất nhiều người làm việc quên mình và sẵn sàng xung phong đi mọi chiến trường. Hàng chục người cùng thế hệ bà Hồng, bà Hương đã xung phong vào chiến trường miền nam, chiến trường nam Lào và rồi trong số những người ra đi ấy có người mãi không về…

Có sức trẻ của bà Ngọ, bà Hương, ông Hứa, bà Thành và hàng trăm thanh niên Thủ đô, C13, C17, C3 và C9 là những đơn vị dẫn đầu trong các phong trào thi đua sản xuất, xây dựng, chế biến. Đến năm 1977, phần lớn diện tích ruộng thuộc Nông trường Điện Biên đã cấy hai vụ, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha. Riêng sản lượng lúa của nông trường đủ cung cấp cho cả tỉnh Lai Châu ngày đó. Bằng quyết tâm, bằng sự nhẫn nại, cần cù, người Hà Nội trên quê hương mới đã tạo lập một cuộc sống ngày càng vững vàng cho Điện Biên hôm nay.

Trên cánh đồng Điện Biên ngày mới, lúa mùa này trĩu hạt nặng bông. Và dòng sông Nậm Rốm vẫn bốn mùa thao thiết chảy, tiếng nước rì rào như lời kể chuyện ngày xưa. Chuyện mùa thu của 61 năm trước có một lớp thanh niên Hà thành vì Tây Bắc mà đi…