Chuyển biến từ việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử

Mặc dù mới được triển khai hơn một năm qua, nhưng bằng nhiều cách làm cụ thể, sáng tạo, việc thực hiện hai bộ quy tắc ứng xử nơi công sở và công cộng tại huyện Mỹ Đức bước đầu có những chuyển biến tích cực, góp phần hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cán bộ Bộ phận một cửa UBND huyện Mỹ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ Bộ phận một cửa UBND huyện Mỹ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Yêu cầu cao hơn tại công sở

Gặp chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ Bộ phận một cửa thuộc Văn phòng UBND huyện Mỹ Đức, ấn tượng nhất là nụ cười luôn thường trực trên gương mặt khi giải quyết thủ tục cho công dân. Chị Hoa cho biết, cán bộ, công chức ở bộ phận này đã được tập huấn, rèn luyện kỹ năng trong giao tiếp, khi giao tiếp với người dân phải luôn hòa nhã, tận tình, lễ phép. “Tất cả đã thành nền nếp, nhưng sau khi có bộ quy tắc ứng xử nơi công sở, chúng tôi thấy mình phải cố gắng, trách nhiệm hơn”, chị Hoa chia sẻ. Theo Trưởng phòng Nội vụ huyện Mỹ Đức Mai Thành Công, việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở như liều thuốc bổ trợ giúp cho kỷ cương hành chính, nhất là công tác cải cách hành chính tại các cơ quan tốt hơn trước rất nhiều.

Sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành hai bộ quy tắc ứng xử, ngày 14-3-2017, UBND huyện Mỹ Đức đã ban hành Kế hoạch số 296 về việc thực hiện quy tắc ứng xử nơi công sở và yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể. Tại các trụ sở, bộ quy tắc được niêm yết công khai và quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Không cứng nhắc áp dụng, mà các cơ quan, đơn vị còn chủ động triển khai với nhiều cách làm sáng tạo. Đảng ủy, Chỉ huy Công an huyện tập trung khai thác từng nội dung quy tắc ứng xử như trang phục, tác phong, lời nói, thái độ, cử chỉ, ứng xử với đồng chí, đồng đội, người dân; làm rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nghiêm văn hóa giao tiếp ứng xử, tư thế, lễ tiết, tác phong trong tiếp xúc giải quyết công việc với cơ quan, tổ chức và người dân. Đoàn Thanh niên Công an huyện đã xây dựng và triển khai chương trình chủ nhật tình nguyện, tiếp nhận hồ sơ cấp mới, cấp đổi căn cước công dân và tiếp nhận đăng ký nhân khẩu trên địa bàn huyện.

Huyện giao trách nhiệm từng phần việc cho từng cá nhân theo đề án vị trí việc làm, từ đó phần việc nào không hiệu quả sẽ xem xét trách nhiệm đến từng người. Hằng tháng, hằng quý, cuối năm đều triển khai đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Trong công tác cải cách hành chính, các quy trình, hồ sơ thủ tục, thời gian giải quyết theo đúng quy định, có giấy hẹn cho các đối tượng đến nhận kết quả; các khoản phí và lệ phí đều được công khai và thực hiện đúng quy định. Huyện luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Đến nay, có 33 thủ tục hành chính được triển khai ở mức độ 3, trong đó có 20 dịch vụ công cấp huyện và 13 dịch vụ công cấp xã; số lượng hồ sơ thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt tỷ lệ 90%. Nhờ đó, từ nhóm cuối bảng, đến năm 2017, chỉ số cải cách hành chính của huyện tăng 14 bậc so với năm 2016, vươn lên đứng thứ 11 trong tổng số 30 quận, huyện, thị xã.

Lan tỏa đến nơi công cộng

Cùng với việc triển khai ở nơi công sở, huyện còn đẩy mạnh thực hiện Quy tắc ứng xử ở nơi công cộng. Để việc này đi vào thực chất, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Đinh Thị Lan Hương cho biết, đến nay tất cả các làng, thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đã tổ chức tọa đàm về thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trước đó, từ đầu tháng 6-2018, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh từ huyện, xã, thị trấn tới các làng, thôn, tổ dân phố để đông đảo người dân quan tâm. Trang trí cổ động trực quan tại nơi tổ chức tọa đàm và phát tờ rơi về Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại trung tâm xã, thị trấn, làng, thôn, tổ dân phố nơi tập trung đông người dân.

Nội dung thảo luận tại tọa đàm tập trung vào một trong số các nội dung như: Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc giữ gìn, làm đẹp cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo vệ cảnh quan nơi công cộng; chấp hành nghiêm các quy định tại di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, tại các lễ hội; các giải pháp để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả Quy tắc ứng xử tại chợ, quán ăn, công viên, bến xe, bến đò. Huyện đã chọn thôn Yến Vỹ, xã Hương Sơn để làm điểm, bởi người dân ở đây tham gia làm dịch vụ tại lễ hội chùa Hương rất đông, cho nên cung cách ứng xử với du khách rất quan trọng.

Bên cạnh các buổi tọa đàm, huyện Mỹ Đức còn chia nhỏ ra thành từng phần việc để các ngành, đoàn thể cùng tham gia thực hiện. Đoàn Tthanh niên với công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ không vứt rác bừa bãi; ứng xử văn minh tại các khu vực chợ, nơi công cộng; Hội Người cao tuổi với công tác tuyên truyền, giáo dục con cháu thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng. Với những giải pháp đồng bộ như vậy, cán bộ, người dân Mỹ Đức đang có những chuyển biến rõ nét, tạo phong cách ứng xử văn minh, thanh lịch trên địa bàn.