Chung quanh việc quy hoạch ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2

Tuyến đường sắt đô thị (ÐSÐT) số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Ðạo là một trong bốn tuyến hình thành nên hệ thống ÐSÐT lõi ở khu vực trung tâm Hà Nội. Chính vì vậy, quá trình nghiên cứu quy hoạch, thi công dự án tuyến ÐSÐT số 2, trong đó có ga ngầm C9 đặt bên hồ Hoàn Kiếm, đã được các cơ quan chức năng tiến hành hết sức thận trọng, kỹ lưỡng nhằm chọn phương án tối ưu, hạn chế đến mức thấp nhất tác động đối với không gian văn hóa, lịch sử Hồ Gươm, an toàn, thuận tiện cho người sử dụng và bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, kinh tế của dự án.

Người dân Thủ đô xem phương án Quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng ga ngầm C9. Ảnh: Di Linh
Người dân Thủ đô xem phương án Quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng ga ngầm C9. Ảnh: Di Linh

Bài 1: Hài hòa giữa phát triển giao thông và bảo tồn di sản

Nhận thức được tầm quan trọng của vị trí ga ngầm C9, quá trình lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 đã được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu hết sức cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô, hài hòa giữa phát triển giao thông đô thị và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Tạo thuận tiện cho người dân, du khách

Theo Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mạng lưới ÐSÐT Hà Nội gồm chín tuyến, trong đó, trước mắt thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến số: 1, 2, 2A và 3 để hình thành nên hệ thống lõi, trục “xương sống” ở khu vực trung tâm thành phố. Trong đó, tuyến số 2 dài 11,5 km, có lộ trình Nội Bài - Nam Thăng
Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ hồ Hoàn Kiếm - Hàng Bài - Ðại Cồ Việt - Thượng Ðình sẽ kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm thành phố và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. Tuyến số 2 trung chuyển với tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) tại ga C8 vị trí ở khu vực Hàng Ðậu; trung chuyển với tuyến số 3 tại ga C10 vị trí ở nút giao phố Hàng Bài và phố Trần Hưng Ðạo. Theo quy hoạch, vị trí các ga này sẽ không thay đổi và là điểm khống chế của các tuyến số 1, số 2 và số 3. Do đoạn giữa ga C8 và ga C10 dài khoảng 2,41 km và cần một ga tại khu vực giữa hai ga này, đó là ga C9 được xác định nằm trong vùng trung tâm Hà Nội.

Quá trình lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng, bảo đảm tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến Thủ đô, hài hòa giữa phát triển giao thông đô thị và bảo tồn, phát huy di sản văn hóa.

Trong Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) thực hiện từ năm 2004 đến 2007 và Chương trình nghiên cứu Hỗ trợ đặc biệt hình thành dự án (SAPROF) thực hiện từ năm 2007 đến 2008, các đơn vị tư vấn Nhật Bản và tư vấn trong nước đã đưa ra nhiều phương án nghiên cứu hướng tuyến ÐSÐT số 2 đi qua khu vực trung tâm Hà Nội, gắn với vị trí ga C9 trong khu vực hồ Hoàn Kiếm. Phương án 1, tuyến hầm đi ngầm qua khu phố cổ, dọc theo các phố Hàng Giầy, Ðồng Xuân, Hàng Ðường, Hàng Ngang, Hàng Ðào, Ðinh Tiên Hoàng, Hàng Bài, Phố Huế, Ðại Cồ Việt. Phương án 2, tuyến hầm và nhà ga đi theo khu vực gần đê sông Hồng, dọc theo đường Trần Nhật Duật, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Ngô Quyền và Lê Văn Hưu, Phố Huế, Ðại Cồ Việt. Qua khảo sát thực tế cho thấy, nếu phương án 1 chạy qua khu vực đông dân cư, khi đưa vào sử dụng tạo sự thuận tiện cho người dân và khách du lịch tham quan các di tích bên hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ, kết nối hiệu quả với các tuyến khác trong mạng lưới ÐSÐT. Nếu thực hiện hướng tuyến theo phương án 2 thì không tiếp cận với khu vực đông dân cư, không tạo thuận tiện cho hành khách; việc kết nối với tuyến ÐSÐT số 1 và số 3 phức tạp hơn và kém hiệu quả; vi phạm hành lang bảo vệ theo Luật Ðê điều; tuyến hầm phải xuyên qua các khu vực có nhiều nhà cao tầng với móng cọc sâu, dẫn đến chi phí giải phóng mặt bằng lớn, chi phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác tăng cao. Do phương án 1 có tính khả thi cao, cho nên đã được thành phố đề xuất và được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Thường trực Thành ủy Hà Nội, và phù hợp với Quy hoạch chung, Quy hoạch Giao thông vận tải Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt tại các Quyết định số 1259/QÐ-TTg ngày 26-7-2011 và số 519/QÐ-TTg ngày 31-3-2016.

Giảm tối đa tác động đến di tích

Trên cơ sở hướng tuyến theo phương án 1 đã được phê duyệt, trong giai đoạn triển khai quy hoạch chi tiết từ năm 2011, Ban Ðường sắt đô thị, tư vấn chung và các đơn vị liên quan đã nghiên cứu, xem xét bảy phương án vị trí ga C9 gắn với hướng tuyến đường hầm đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm, trong đó có ba phương án phía tây hồ (đường Lê Thái Tổ) và bốn phương án phía đông hồ (đường Ðinh Tiên Hoàng).

Ðối với các phương án phía đường Lê Thái Tổ, phương án đi dưới lòng hồ bị loại bỏ do xâm lấn di tích hồ; hai phương án đều đi qua khu đất chật hẹp, không có khoảng trống để bố trí ga, tuyến hầm đi dưới các tòa nhà cao tầng có móng sâu, rủi ro thi công lớn, cho nên hai phương án này không khả thi.

Trong số bốn phương án chạy phía đường Ðinh Tiên Hoàng, phương án 1 bố trí ga C9 dưới đường Ðinh Tiên Hoàng và vườn hoa bờ hồ phía trước Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội có nhiều ưu điểm vì khu vực này có khoảng đất ven hồ rộng nhất, đủ không gian bố trí nhà ga và các công trình phụ trợ, ảnh hưởng ít nhất đến quần thể di tích. Phương án 2 bố trí nhà ga trước vườn hoa Lý Thái Tổ có mặt bằng thi công hẹp, ảnh hưởng nhiều đến di tích hồ do nằm trong khu vực bảo vệ 1, khoảng cách từ ga C9 đến ga C10 quá ngắn. Phương án 3, vị trí ga nằm một phần trên phố Ðinh Tiên Hoàng gần Nhà hát múa rối Thăng Long, một phần nằm trong khu dân cư thuộc khu vực phố cổ, nếu thi công ga ở đây sẽ phải phá dỡ 34 ngôi nhà của người dân, chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn. Phương án 4, nhà ga bố trí dưới quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục khiến hướng tuyến hầm chạy qua nhiều nhà dân và các công trình cao tầng, không bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, an toàn khi thiết kế, vận hành, khai thác tuyến đường sắt. Do đó, sau khi nghiên cứu, đánh giá ưu, nhược điểm của các phương án về kỹ thuật, kinh tế, tính khả thi và mức độ ảnh hưởng đến di tích, chủ đầu tư và tư vấn chung khẳng định vị trí tuyến và ga C9 dưới đường Ðinh Tiên Hoàng, phía trước Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội theo phương án 1 là đạt hiệu quả nhất, bảo đảm an toàn, kỹ thuật chạy tàu và ít tác động đến quần thể di tích nhất. Vị trí tuyến và ga C9 trong Hồ sơ dự án điều chỉnh đã được sự thống nhất của các Bộ Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư trong quá trình xin ý kiến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 108/TTg-KTN ngày 12-12-2016.

(Còn nữa)

Theo quy hoạch, nhà ga C9 bố trí ngầm trước trụ sở Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội, dưới phố Ðinh Tiên Hoàng và vườn hoa hồ Hoàn Kiếm. Công trình dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m, có ba tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách từ thân ga C9 tới hồ Hoàn Kiếm là khoảng 10 m, cách tượng đài Cảm tử 81 m, cách đền Bà Kiệu 83 m, cách Tháp Bút 36 m, cách vườn hoa Lý Thái Tổ 120 m.