Chung quanh việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDÐT, trong đó cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học như một công cụ để truy cập những tài liệu nhằm thực hiện nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao. Ðây là một trong những giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập, phù hợp xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, để triển khai tốt quy định này đòi hỏi cả giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ theo những nội quy chặt chẽ.

Để hiểu đúng về quy định mới được ban hành của Bộ GD và ÐT về việc học sinh được sử dụng điện thoại trên lớp từ ngày 1-11-2020, phụ huynh cần được phân tích rõ việc cho sử dụng không có nghĩa là được dùng thoải mái trong suốt thời gian học ở lớp. Ðây là ý kiến của cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Ðức, quận Hoàn Kiếm. Theo cô Quỳnh, Ðiều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDÐT của Bộ GD và ÐT quy định về các hành vi mà học sinh không được làm, trong đó nêu rõ "học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép". Thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học", có nghĩa cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1-11-2020 chỉ cấm việc học sinh sử dụng điện thoại không phục vụ cho việc học tập và việc học sinh sử dụng điện thoại có sự quản lý của giáo viên. "Ở Trường THPT Việt Ðức, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh khá cần thiết và đã được áp dụng vài năm trở lại đây trong một số tiết học đặc thù như giờ học môn ngoại ngữ. Trong giờ học môn này, giáo viên cho phép học sinh sử dụng từ điển trên điện thoại để tra cứu nghĩa của từ, cách phát âm...", cô giáo Nguyễn Bội Quỳnh cho biết.

Ngoài ra, việc mở rộng, phát triển các nguồn học liệu số hóa đang là xu hướng bắt buộc của ngành giáo dục trong nước theo hướng đi chung của thế giới. Theo đại diện Bộ GD và ÐT, tại nhiều quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự nghiên cứu của các em. Ðiều này có nghĩa là, học sinh có thể sử dụng điện thoại như là một công cụ để truy cập những tài liệu nhằm thực hiện nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao.

Khi nói đến việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại thông minh, nhiều phụ huynh rất lo lắng, bởi đã có tình trạng nhiều học sinh nghiện trò chơi điện tử, mạng xã hội, không tập trung học tập. Chị Nguyễn Minh Phương, phụ huynh một học sinh Trường THCS Huy Văn, quận Ðống Ða cho biết, gia đình chị không trang bị điện thoại thông minh cho con để hạn chế tình trạng con mải mê nói chuyện, nhắn tin với bạn bè qua mạng xã hội. Chị Phương lo lắng, khi Thông tư 32/2020/TT-BGDÐT có hiệu lực, sẽ không thể kiểm soát việc sử dụng điện thoại của con khi không có thầy cô, cha mẹ bên cạnh.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng, quận Ba Ðình, hiện nay các trường đang triển khai chương trình giáo dục mở, in-tơ-nét phát triển và nguồn học liệu cũng rất phong phú. Do đó, không nên cấm học sinh sử dụng điện thoại, mà nhà trường và cha mẹ học sinh cần hướng dẫn học sinh sử dụng điện thoại di động đúng mục đích, phục vụ cho việc học. "Quy định mới của Bộ GD và ÐT có tinh thần cởi mở. Giáo viên có quyền cho học sinh sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học, nhưng phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng thiết bị này của học sinh. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải giáo dục con sử dụng điện thoại phục vụ việc học tập, thay vì lo lắng", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Có thể thấy, việc mở ra những cách thức học tập ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng tất yếu trong tương lai, không giới hạn về nguồn học liệu. Tuy nhiên, để triển khai tốt quy định mới này đòi hỏi cả giáo viên và học sinh đều phải tuân thủ theo những nội quy chặt chẽ. Quan trọng nhất là học sinh trong các giờ học có dùng điện thoại phải được xác định nhiệm vụ học tập và có quá trình rèn giũa hành vi, thói quen, tuân thủ nghiêm các yêu cầu của giáo viên. Giáo viên cũng cần tập huấn kỹ biện pháp quản lý, kiểm soát tình hình trên lớp và phát hiện, xử lý kịp thời những tình huống phát sinh khi học sinh được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học.