Chú trọng chất lượng giám sát, phản biện

Chú trọng lựa chọn lĩnh vực, đổi mới quy trình, phương thức giám sát, thời gian qua công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp TP Hà Nội đã và đang mang lại nhiều kết quả thiết thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, góp phần tích cực tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền ngay từ cơ sở.

Ban Giám sát cộng đồng MTTQ Việt Nam phường Phúc La giám sát dự án đường Yên Phúc (quận Hà Đông).
Ban Giám sát cộng đồng MTTQ Việt Nam phường Phúc La giám sát dự án đường Yên Phúc (quận Hà Đông).

Những ngày này, cùng với chính quyền cơ sở, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội các cấp đang khẩn trương phòng, chống dịch Covid-19. Tại quận Hà Ðông, MTTQ các phường trích Quỹ Vì người nghèo mua và hỗ trợ 390 hộ cận nghèo trên địa bàn quận mỗi hộ một hộp khẩu trang y tế và một chai nước sát khuẩn. Ðồng thời phối hợp UBND, các tổ chức chính trị - xã hội phát miễn phí hơn 85 nghìn khẩu trang y tế và gần 15 nghìn chai nước rửa tay sát khuẩn tới người dân trên địa bàn và các nơi công cộng như Bến xe Yên Nghĩa, trung tâm thương mại, các trục đường chính.

Ðáng chú ý, MTTQ quận Hà Ðông đã lập nhóm Zalo cập nhật hằng ngày thông tin dịch bệnh để các thành viên có thông tin kịp thời, nhanh chóng, giúp định hướng dư luận. Các quận, huyện khác trên địa bàn TP Hà Nội như: Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Sóc Sơn, Ðông Anh, Chương Mỹ, Ðan Phượng, MTTQ không chỉ tham gia chống dịch mà còn tổ chức các cuộc giám sát về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp đầu cơ, găm hàng, không niêm yết giá, tăng giá không đúng quy định các vật tư y tế, dụng cụ phòng hộ phục vụ phòng, chống dịch bệnh, được nhân dân ghi nhận.

Xác định hoạt động giám sát và phản biện xã hội là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng Quy chế về giám sát, phản biện xã hội và đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Nhờ đó, số lượng và chất lượng các hoạt động này ngày càng được nâng lên, đi vào thực chất. Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, chỉ tính riêng 5 năm trở lại đây, MTTQ các cấp đã chủ trì tổ chức 3.501 hội nghị phản biện xã hội các tờ trình, dự thảo nghị quyết trình Hội đồng nhân dân các cấp; 100% các đơn vị tổ chức các hội nghị đối thoại.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ trì tổ chức 6.326 đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; việc khai thác cát; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện kết luận sau thanh tra, kiểm tra; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công; phối hợp giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Các Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng ở các xã, phường, thị trấn tiếp tục khẳng định vai trò giám sát của Mặt trận ở cơ sở, trong 5 năm qua đã giám sát hơn 45 nghìn cuộc. Các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát hơn 25 nghìn công trình, dự án, phát hiện sai phạm về các lĩnh vực đầu tư không đúng quy định, cung ứng vật tư, thực hiện quy trình sai so với nội dung được phê duyệt, các việc làm gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước, kiến nghị thu hồi hơn 257.000 m2 đất và 15,2 tỷ đồng.

Ðáng chú ý, để công tác giám sát, phản biện đạt hiệu quả, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội hiệp thương lựa chọn nội dung, chương trình để báo cáo với Ban Thường vụ Thành ủy và thống nhất với Thường trực HÐND, UBND thành phố. Năm 2020, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tập trung vào chín nội dung giám sát. Trong đó tập trung giám sát công tác cán bộ thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa XII, Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố khóa 16; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác hòa giải ở cơ sở; thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; giám sát các cơ sở kinh doanh có điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh...

Trong buổi làm việc mới đây với MTTQ thành phố, đồng chí Vương Ðình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị MTTQ và các tổ chức thành viên trong thời gian tới cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện. Bởi không có lực lượng giám sát nào hùng hậu, toàn diện và sâu sắc bằng sự giám sát của nhân dân. Giám sát và phản biện xã hội là để tăng thêm sự đoàn kết thống nhất, đồng thuận xã hội, phát huy tính tích cực chính trị - xã hội và tinh thần sáng tạo của người dân, doanh nghiệp. Ðồng chí lưu ý, Mặt trận phải là nơi để người dân gửi gắm niềm tin và phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ, đảng viên, kịp thời giải quyết những vướng mắc để tạo sự đồng thuận xã hội và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.