Chủ động triển khai mô hình chính quyền đô thị

Từ ngày 1-7-2021, TP Hà Nội chính thức triển khai "Ðề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị" theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội tại 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây. Các cấp, các ngành của thành phố đang tích cực chuẩn bị, sẵn sàng vận hành mô hình mới để nâng cao hiệu quả quản lý đô thị.

Cán bộ bộ phận một cửa Quận ủy Thanh Xuân giải quyết thủ tục hành chính về công tác Ðảng cho đảng viên. Ảnh: MINH HÀ
Cán bộ bộ phận một cửa Quận ủy Thanh Xuân giải quyết thủ tục hành chính về công tác Ðảng cho đảng viên. Ảnh: MINH HÀ

Tinh gọn, tự chủ hơn

Ðể cụ thể hóa Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2021/NÐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ðây là nghị định quan trọng để đưa các quy định, cơ chế, chính sách trong xây dựng chính quyền đô thị tinh gọn, hiệu quả, tự chủ, năng động vào triển khai, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi từ thực tiễn.

Theo Phó Vụ trưởng Chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Ánh Dương, Nghị định số 32 quy định biên chế công chức phường thuộc biên chế công chức thuộc UBND quận, thị xã và do UBND quận, thị xã quản lý, sử dụng. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND phường là người đứng đầu, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành công việc của UBND phường theo quy chế làm việc của UBND phường, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật. Ðể giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiệm của công chức và phục vụ người dân nhanh chóng, nghị định cho phép chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính.

Cùng với đó, việc phân cấp cho địa phương cũng làm tăng thêm tính chủ động, sáng tạo, phục vụ người dân tốt hơn. Ðây là công việc thật sự cấp thiết, thể hiện được trách nhiệm, tránh việc xin ý kiến khiến mọi việc chậm trễ, không giải quyết thỏa đáng. Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: "Những điểm mới trong việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giải phóng được các nguồn lực, phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của các địa phương trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội".

Với sự chuẩn bị sẵn sàng, việc triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng bảo đảm được các mục đích quan trọng. Ðó là phục vụ người dân đô thị tốt hơn, nhanh hơn, thông suốt hơn; hiệu lực quản lý và điều hành xã hội của chính quyền thống nhất hơn, giảm bớt các tầng nấc trung gian; sớm giải quyết, xử lý dứt điểm những vấn đề phát sinh trong quản lý đô thị. Bởi mục tiêu thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị hướng tới là xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động và có đủ thẩm quyền, đủ trách nhiệm để giải quyết những vấn đề mà người dân, cũng như quá trình đô thị hóa đặt ra.

Chủ động trước một bước

Theo Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND phường Thanh Trì (quận Hoàng Mai) Vương Thị Mai Hương: Cùng với công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, về đội ngũ, tại phường hiện đã phù hợp và đầy đủ, đều là cán bộ UBND phường kiêm nhiệm vai trò đại biểu HÐND, cho nên khi chuyển sang mô hình mới, phường sẽ không bị dôi dư cán bộ. Bởi trước đó, quận đã định hướng và phần lớn các phường đã chủ động bố trí phó chủ tịch HÐND phường kiêm phó bí thư đảng ủy hoặc phó chủ tịch UBND.

Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà cho biết, hướng tới xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, tự chủ, năng động, hiện đại, những năm qua, Quận ủy Thanh Xuân đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Từng người được sắp xếp theo vị trí việc làm, theo hướng "một việc, một đầu mối xuyên suốt" và "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả), nhờ đó đã nâng cao hiệu quả công việc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thành phố đã đề xuất nhiều nội dung để xây dựng chính quyền đô thị hiệu quả, phù hợp đặc thù của Thủ đô và đều được Bộ Nội vụ ủng hộ. Như cán bộ đang là bí thư, phó bí thư, trưởng các đoàn thể đang là công chức phường thời gian tới có được chuyển thành công chức của quận không? Nếu được chuyển thì là công chức thuộc Quận ủy hay UBND quận; dự toán ngân sách ra sao, ủy quyền thu thế nào? "Chúng tôi mong Bộ Nội vụ trao đổi với Ban Tổ chức T.Ư để sớm có hướng dẫn cụ thể", Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nói.

Tại hội nghị triển khai "Ðề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị" được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn lưu ý các đơn vị thời gian thực hiện thí điểm chính quyền đô thị là từ ngày 1-7-2021, các đơn vị cần tập trung quán triệt, thực hiện khẩn trương đúng lộ trình mà kế hoạch thành phố đã đề ra, nắm bắt đầy đủ tâm tư nguyện vọng của cán bộ cơ sở, song hành với bảo đảm nhiệm vụ quan trọng là tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc Toản