Chủ động phòng ngừa, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Sau hơn ba năm thực hiện, Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020” đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ thành phố đến cơ sở.

Xác định phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đông Anh đã triển khai nhiều giải pháp. Điều này không chỉ thể hiện qua hơn 100 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy từ đầu nhiệm kỳ đến nay, mà còn bằng nhiều cách làm cụ thể, hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Quang cho biết, Huyện ủy đã thành lập 10 tổ công tác để thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các đơn vị, địa phương. Ở khối chính quyền, UBND huyện tăng cường công khai, minh bạch các nội dung có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng, như chủ trương đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư tại cộng đồng. Người đứng đầu các cấp ủy thường xuyên đối thoại, tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.

Tại huyện Hoài Đức, công tác phòng, chống tham nhũng cũng được chú trọng, trong đó công tác quản lý đất đai được khoanh vùng để tập trung kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Từ năm 2016 đến nay, Huyện ủy Hoài Đức đã thi hành kỷ luật một tổ chức đảng và 16 đảng viên vì có sai phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý đất đai. Bên cạnh đó, Huyện ủy đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả trong chi tiêu ngân sách. Trong giai đoạn 2016-2019, huyện đã thực hành tiết kiệm 10% chi thường xuyên với số tiền hơn 98 tỷ đồng.

Không chỉ xử lý nghiêm vi phạm, nhiều cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội còn chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; thực hiện công khai, minh bạch trong các lĩnh vực: Đất đai, tài chính, quản lý đầu tư xây dựng các dự án sử dụng ngân sách nhà nước và trong công tác tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ. Đến nay, toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Sở được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Tại Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, công tác tự kiểm tra đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên. Từ năm 2016 đến nay, Viện đã tiến hành thanh tra toàn diện 13 đơn vị; thanh tra nghiệp vụ năm đơn vị; thanh tra hành chính hai đơn vị; thanh tra 169 lượt chấp hành kỷ luật nội vụ và kiểm tra 68 lượt tại Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện, phòng nghiệp vụ về việc thực hiện các chuyên đề, kế hoạch công tác năm nhằm nâng cao chất lượng và trong sạch đội ngũ.

Ở cấp thành phố, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Qua đó cũng giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”. Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó là công tác nghiên cứu dự báo tình hình, tham mưu đề xuất có việc còn bị động, lúng túng; tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để; các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng chưa toàn diện và hiệu quả. Nguyên nhân của những hạn chế này do một số cấp ủy, thủ trưởng đơn vị chưa thật sự quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại đơn vị. Việc kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi còn chưa sát sao, thiếu quyết liệt, ngại động chạm.

Để chấn chỉnh tình trạng này, mới đây Thành ủy Hà Nội đã thành lập ba đoàn kiểm tra do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn để kiểm tra Chương trình 07 tại 12 cơ quan, đơn vị. Tại các buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các đơn vị này phải đẩy mạnh tuyên truyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết đấu tranh xử lý mọi hành vi tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý tài sản công... "Các sở, ngành, quận, huyện cần xác định rõ các lĩnh vực dễ phát sinh “tham nhũng vặt” để có giải pháp căn cơ phòng ngừa, loại bỏ dần cơ hội phát sinh tham nhũng, lãng phí”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh. Đồng thời, các đơn vị cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội để phòng ngừa, phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí.