Sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế tại Hà Nội

Cần linh hoạt, tinh gọn và hiệu quả

Thành phố Hà Nội được đánh giá là địa phương triển khai nghiêm túc, chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã phát sinh một số vướng mắc cần có hướng xử lý kịp thời, để việc thực hiện Nghị quyết đạt hiệu quả thực chất, phấn đấu đến năm 2021, thành phố giảm ít nhất 10% số biên chế hành chính, sự nghiệp.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát hoạt động của bộ phận một cửa UBND phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây.
Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khảo sát hoạt động của bộ phận một cửa UBND phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây.

Bài 1: Nghịch lý thiếu biên chế - thừa hợp đồng

Tại nhiều đơn vị của Hà Nội đang tồn tại nghịch lý thiếu công chức so với chỉ tiêu biên chế được giao, nhưng không tuyển dụng bổ sung mà sử dụng lao động hợp đồng thay thế. Đây là một bất cập mà thành phố cần khắc phục trong quá trình tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn

Lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn không phải là vấn đề mới của riêng TP Hà Nội. Tháng 10-2018, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 4805/UBND-NC, trong đó yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chấm dứt triệt để việc sử dụng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, song đến nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội là một thí dụ điển hình. Hiện, sở có chín đơn vị sự nghiệp trực thuộc, liên tiếp trong ba năm gần đây, tổng số biên chế của sở luôn thiếu so với chỉ tiêu được giao, năm 2017 thiếu 63 người, năm 2018 thiếu 69 người, năm 2019 con số này là 50 người. Thiếu công chức nhưng sở vẫn là đơn vị còn tình trạng sử dụng lao động hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức tại Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, số hợp đồng lao động của các đơn vị sự nghiệp thuộc sở cũng luôn lớn hơn số chỉ tiêu được giao. Lý giải về điều này, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Do khối lượng công việc nhiều, số lượng công chức, viên chức còn thiếu, cho nên tại sở vẫn còn tình trạng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, sở chưa hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Quyết định số 28/2016/QĐ-UBND của UBND thành phố. Đề án vị trí việc làm của các đơn vị sự nghiệp thuộc sở chưa được thành phố phê duyệt, vì vậy sở cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại cơ cấu việc làm.

Tại huyện Sóc Sơn, dù đã thực hiện nghiêm túc lộ trình giảm biên chế tại các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp (năm 2016 được giao 146 chỉ tiêu biên chế, thực hiện 140 người; năm 2017 được giao 144 chỉ tiêu, thực hiện 138 người; năm 2018 giao 141 chỉ tiêu, thực hiện 138 người), song hiện vẫn có tới 61 lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn tại UBND các xã, thị trấn. Còn theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Thu Hương, tại Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị hiện có năm lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn.

Cũng trong tình trạng người ít, việc nhiều, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng chia sẻ: Sau hơn 20 năm thành lập, số lượng cá thể trông giữ chăm nuôi đã tăng gấp hàng chục lần, nhưng đơn vị chúng tôi vẫn chỉ được giao 24 biên chế như ngày đầu. Hiện, chúng tôi chỉ có 11 công nhân, cho nên đơn vị phải thuê thêm lao động hợp đồng để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ.

Giải pháp cho nghịch lý thiếu - thừa

Tại đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 39 tại các đơn vị của thành phố cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các đơn vị phải sử dụng hợp đồng lao động vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là do lâu nay thành phố không tổ chức thi tuyển công chức, viên chức. Trên thực tế, đã ba năm nay, thành phố tạm dừng thi tuyển, vì thế, nhiều lao động trong diện chờ thi. Trong khi đó, một số công chức về hưu không được bổ sung, áp lực công việc ngày một nhiều, khiến các đơn vị dù biết sai, nhưng vẫn “vượt rào” khi sử dụng lao động hợp đồng làm việc chuyên môn.

Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương đánh giá: tại Hà Nội đang tồn tại tình trạng thiếu - thừa người rất mâu thuẫn; có công chức, viên chức, nhưng nhiều đơn vị vẫn phải bố trí lao động hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn. Giải quyết tình trạng này, thời gian tới, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cần nâng cao hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức, đăng ký thi tuyển khi thành phố tổ chức.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, liên tiếp trong ba năm trở lại đây, số lượng biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp thực tế của thành phố Hà Nội đều ít hơn số chỉ tiêu được giao. Cụ thể, năm 2017, số biên chế hành chính được giao là 10.897 chỉ tiêu, nhưng thực tế chỉ có 9.887 người (thiếu 1.010 người so với chỉ tiêu). Tương tự, năm 2018, chỉ tiêu biên chế được giao là 10.653, nhưng thực tế có 9.005 người (thiếu 1.468 người so với chỉ tiêu). Cũng theo số liệu của Sở Nội vụ, từ năm 2016 đến hết 2018, Hà Nội thiếu 1.085 biên chế hành chính và 10.848 biên chế sự nghiệp.

Tại nhiều quận, huyện, tình trạng thiếu chỉ tiêu biên chế cũng diễn ra phổ biến. UBND quận Nam Từ Liêm thiếu 14 chỉ tiêu, UBND huyện Ứng Hòa thiếu 13 chỉ tiêu, UBND huyện Thanh Oai thiếu 11 chỉ tiêu, UBND quận Hoàng Mai cũng đang thiếu 11 chỉ tiêu...

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Liễu, thành phố đang tổ chức, hướng dẫn các đơn vị thi tuyển công chức, viên chức. Theo đó, toàn bộ số hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố sẽ được đăng ký thi tuyển. Trường hợp không đỗ sẽ xem xét cắt hợp đồng lao động. Ngoài ra, Sở Nội vụ tham mưu cho UBND thành phố giao chỉ tiêu biên chế cho các quận, huyện, khối hành chính theo khối lượng công việc, mức độ đô thị hóa phù hợp tới từng địa phương, không cứng nhắc, dàn trải. Cùng với đó, thành phố sẽ tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

(Còn nữa)