Cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển Thủ đô

Thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đã có nhiều cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm sáng đầu tư trong cả nước. Tuy nhiên, Sở cần tiếp tục làm tốt hơn công tác tham mưu, dự báo, hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: DUY LINH
Giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: DUY LINH

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy Sở đã bám sát chỉ đạo của T.Ư và thành phố, xây dựng, ban hành và thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác trên tinh thần quyết liệt, đồng bộ, kỷ luật và đoàn kết. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngoài ngân sách, Sở đã tham mưu thành phố quyết định chủ trương đầu tư cho 59 dự án với tổng vốn đầu tư ước đạt 158.664,3 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn cho 26 dự án. Đối với các dự án PPP, Sở đã tham mưu thành phố phê duyệt hồ sơ đề xuất một dự án với tổng mức đầu tư 1.412 tỷ đồng, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bốn dự án khác, nâng tổng số dự án đầu tư theo hình thức PPP mà Hà Nội đang thực hiện là 12 dự án, tổng mức đầu tư 28,4 nghìn tỷ đồng. Hiện, vẫn còn 95 dự án PPP đang hoàn thiện thủ tục, trong đó có 35 dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm của thành phố, các đường vành đai, cầu qua sông, các dự án về môi trường... Đối với những dự án sử dụng vốn ngân sách có tiến độ giải ngân còn chậm, Sở đã lập tổ công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân; tham mưu UBND thành phố báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư… Sở đã tham mưu thành phố tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nguồn lực phát triển Thủ đô. Hai năm 2016 - 2017, Hà Nội đã thu hút được 6,55 tỷ USD nguồn vốn FDI. Sáu tháng đầu năm 2018, thu hút được 5,912 tỷ USD, gấp 5,4 lần so với cùng kỳ 2017, đạt 164% kế hoạch năm 2018, đưa Hà Nội vượt lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) Phạm Thị Kim Tuyến, công tác cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được triển khai nghiêm túc. Toàn bộ 175 thủ tục hành chính của Sở đã triển khai trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. 100% số hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp đã thực hiện qua mạng, xử lý trong thời gian ba ngày làm việc. Việc số hóa hoàn toàn dữ liệu doanh nghiệp, cập nhật lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã tạo điều kiện thuận tiện trong khai thác thông tin, quản lý doanh nghiệp. Sở cũng tập trung triển khai mô hình Cơ quan đăng ký kinh doanh thân thiện, phối hợp bưu điện trả hồ sơ tại nhà, phối hợp ngân hàng để lập tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp một cách đơn giản, nhanh chóng; thực hiện "Thư chúc mừng" với doanh nghiệp mới thành lập, "Thư chia sẻ" với doanh nghiệp giải thể. Mới đây, Sở đã thí điểm đưa dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký khắc dấu và hướng dẫn thủ tục đăng ký mẫu dấu cho doanh nghiệp tại Cổng thông tin điện tử của Sở. Kết quả, đến hết ngày 30-6-2018, Sở đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 12.469 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 142.251 tỷ đồng, tăng 50% vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên 242.932 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác tham mưu, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược phát triển của Sở còn thiếu chất lượng. Việc phối hợp giữa các phòng, ban trong Sở và giữa Sở với các cơ quan khác đôi lúc còn chưa nhịp nhàng, thông suốt. Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, vẫn đang trong quá trình hoàn chỉnh đồng bộ, thiếu thống nhất gây khó khăn trong thực hiện, triển khai các dự án, nhất là dự án mới, phức tạp.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, với vai trò như một “tổng tham mưu trưởng”, Sở Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược phát triển cho thành phố, đưa ra các giải pháp chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế. Dư địa phát triển của Hà Nội còn rất lớn, nhưng chưa phát huy hết được tiềm năng, lợi thế. Do đó, Sở cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế thu hút các nguồn lực đầu tư, tạo thêm việc làm. Cùng với đó là hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư triển khai các dự án, tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện, thành phố có hơn 167 nghìn hộ kinh doanh cá thể, Sở cần có cơ chế thúc đẩy các hộ kinh doanh này chuyển thành doanh nghiệp để hoạt động bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt công tác cải cách hành chính, xây dựng quy trình liên thông trong xử lý các thủ tục, cũng như trong điều hành, chỉ đạo. Cùng với các sở, ngành khác nghiên cứu, cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hợp lý hóa quy trình để giảm thời gian và số lượng thủ tục. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng là đơn vị đầu mối, tiếp cận với nhiều đơn vị, doanh nghiệp, người dân, cho nên cần thực hiện nghiêm hai Bộ quy tắc ứng xử của thành phố. Từng cán bộ, công chức, viên chức của Sở phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, thái độ phục vụ và làm việc. Quan trọng nhất là phát huy dân chủ để cán bộ, công chức tăng cường đề xuất, sáng tạo, trau dồi và phát huy năng lực, trí tuệ của từng cá nhân trong tập thể, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Thủ đô.