Ngăn chặn và loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”

Cách làm của Đảng bộ TP Hà Nội

(Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Thực hiện nhiều giải pháp về công tác cán bộ

Ngại va chạm, “né” trách nhiệm, cho rằng đây không phải là việc của mình…, là nguyên nhân khiến không ít vụ việc phức tạp bị tồn đọng, kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận. Để ngăn chặn, loại bỏ tình trạng này, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp như: đổi mới công tác đánh giá cán bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý, thay thế ngay cán bộ yếu kém, có biểu hiện tiêu cực.

Tháo dỡ công trình vi phạm tại khu lâm trường xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: THIÊN BÌNH
Tháo dỡ công trình vi phạm tại khu lâm trường xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: THIÊN BÌNH

Xử lý vi phạm kéo dài

Ngay từ năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và chín xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trong Kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 659 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn. Sai phạm đã được chỉ rõ, nhưng do buông lỏng quản lý, các trường hợp vi phạm cứ “trôi” từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Chỉ đến khi công luận lên tiếng, công tác thanh tra, kiểm tra mới được thực hiện rốt ráo, quyết liệt hơn. Kết luận thanh tra số 1183/TBKL-TTLN-P3 ngày 19-3-2019 của Thanh tra TP Hà Nội đã chỉ rõ, từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có thêm hàng trăm trường hợp vi phạm đất rừng, trong đó có nhiều trường hợp vi phạm với quy mô lớn như khu sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Hà Nội đã giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân các thời kỳ từ năm 2006 đến 2018 đã không nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và UBND thành phố về xử lý khắc phục sau thanh tra; buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng, để xảy ra vi phạm như kết luận thanh tra đã nêu. Huyện Sóc Sơn đã phải tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được UBND huyện Sóc Sơn lập hồ sơ xử lý trong các năm 2017, 2018 trên địa bàn mười xã và thị trấn Sóc Sơn, trả lại nguyên trạng. Cùng với đó, một số lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị cũng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan. Thanh tra TP Hà Nội chuyển cơ quan công an các hồ sơ liên quan đối với những vi phạm trong việc chứng thực, xác nhận mua bán, chuyển nhượng đất dẫn đến việc xây dựng công trình vi phạm trong quy hoạch đất rừng năm 2008.

Tương tự như huyện Sóc Sơn, tình trạng vi phạm đất rừng tại huyện Ba Vì cũng diễn ra trong thời gian dài, không những không được xử lý dứt điểm mà ngày càng nghiêm trọng hơn. Tháng 3-2019, do để xảy ra nhiều vi phạm về quản lý đất đai, không thực hiện nghiêm kết luận của Thường trực Thành ủy Hà Nội, nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Ba Vì bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu kỷ luật.

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng Hà Nội cũng nêu rõ: “Một số công trình vi phạm tồn đọng từ các năm trước chưa được xử lý dứt điểm. Số công trình vi phạm mới ở mức cao. Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công, đất rừng vẫn còn phổ biến”. Trước năm 2018, từ 413 công trình vi phạm còn tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào. Theo đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, thì ở một số nơi, không ít cán bộ vẫn còn tâm lý cho rằng việc nọ, việc kia là của lãnh đạo khóa trước, cho nên chưa quyết liệt giải quyết, nhất là những việc khó khăn, phức tạp. Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành của thành phố phải vào cuộc xử lý quyết liệt hơn, không để những vụ việc tồn đọng, sai phạm kéo dài, ảnh hưởng lòng tin của người dân.

Thay thế ngay cán bộ yếu kém, vi phạm

Từ thực tế ấy, Thành ủy Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế “tư duy nhiệm kỳ”, đi vào cả những việc tồn tại kéo dài, hoặc việc mới, việc khó để tập trung thực hiện, trong đó vai trò đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị được chỉ rõ, gắn với trách nhiệm cụ thể. Như Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 15-9-2016 về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, hay Nghị quyết số 11- NQ/TU, ngày 31-5-2017 của Thành ủy về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Đây là những căn cứ quan trọng để thành phố từng bước thực hiện hiệu quả hơn hai lĩnh vực bấy lâu nay luôn được coi là “nóng” và khó này.

Bên cạnh đó, để giải quyết hiệu quả hơn những vướng mắc, tạo ổn định từ cơ sở, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16-12-2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP Hà Nội” và Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Theo đó, lần đầu Hà Nội đã rà soát, tổng hợp và lập danh sách các vụ việc phức tạp có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trên toàn thành phố làm căn cứ chỉ đạo giải quyết. Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp, trong đó quy rõ trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu. Đến nay, trong số 200 vụ việc được thống kê ở cấp thành phố, đã có 128 vụ việc giải quyết xong. Cùng với đó, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý năng lực yếu kém, có dấu hiệu tiêu cực đã được thay thế và xử lý, để củng cố niềm tin của nhân dân.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn thực hiện nhiều giải pháp khác để loại bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, từ việc tăng cường kiểm tra, giám sát đến đánh giá cán bộ. Ngày 16-5-2018, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU “Về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, thống nhất thực hiện trong toàn hệ thống chính trị từ tháng 7-2018. Qua một năm thực hiện cho thấy, tinh thần trách nhiệm đội ngũ cán bộ và hiệu quả công việc được nâng lên.

Thành phố cũng kiên quyết xử lý vi phạm, thay thế ngay cán bộ yếu kém, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Riêng năm 2018, ủy ban kiểm tra các cấp của thành phố đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 128 tổ chức đảng và 395 đảng viên; qua kiểm tra kết luận 67 tổ chức đảng và 292 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật năm tổ chức đảng và 172 đảng viên. Trong công tác thi hành kỷ luật đảng viên và tổ chức đảng, trong năm qua, cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 18 tổ chức đảng và 1.114 đảng viên, trong đó khiển trách 838 trường hợp, cảnh cáo 147 trường hợp, cách chức 22 trường hợp và khai trừ 107 trường hợp.

Mới đây nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã quyết định thi hành kỷ luật Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Nguyên nhân bởi trong thời gian là Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ (từ năm 2015 đến tháng 9-2016), đồng chí Phú đã có sai phạm nghiêm trọng trong chỉ đạo, quản lý, để xảy ra vi phạm tại một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện, trong đó có dự án gây hậu quả nghiêm trọng.

Với những giải pháp cụ thể, cùng các hình thức xử lý quyết liệt như vậy, thời gian qua, nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp mới nảy sinh, cũng như những vụ việc tồn đọng kéo dài trên địa bàn đã được giải quyết, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ TP Hà Nội ngày càng trong sạch, vững mạnh, tạo động lực để Thủ đô hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của cả nhiệm kỳ và giai đoạn tiếp theo.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra ngày 20-8-2019.