Bước chạy đà bứt phá của du lịch Thủ đô

Dù mới thực hiện được hơn ba năm, nhưng bằng những giải pháp cụ thể, Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về "Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo" đã "tiếp sức" cho ngành du lịch Thủ đô hoạt động hiệu quả hơn.

Du khách thăm Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HUY PHẠM
Du khách thăm Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HUY PHẠM

Chủ động, đổi mới hơn

Là di sản văn hóa thế giới, nằm ở giữa trung tâm Thủ đô, nhưng những năm trước, Hoàng thành Thăng Long là địa chỉ không được nhiều du khách tìm đến, bởi công tác quảng bá, truyền thông chưa được tốt. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, Trung tâm đã phối hợp các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông kết nối, giới thiệu, quảng bá và hợp tác, phát triển du lịch; đồng thời phối hợp với các tỉnh, thành phố, các đơn vị, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nhằm giới thiệu rộng rãi giá trị các di sản đến nhân dân, du khách trong nước và ngoài nước. Trong đó, có một số sự kiện thường niên, gắn với Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, như: Hội sách Hà Nội, Liên hoan du lịch làng nghề, Liên hoan âm nhạc quốc tế Gió mùa... Từ những kết quả trên, doanh thu của Trung tâm đã tăng 30% và lượng khách tăng đột biến. Năm 2016, có gần 400 nghìn lượt khách đến Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đến năm 2018 đạt 620 nghìn lượt, năm 2019 ước đạt gần 800 nghìn lượt, đến năm 2020 ước đạt 970 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch cả năm 2019 đạt hơn 12 tỷ đồng.

Tại Tổng công ty Du lịch Hà Nội, việc đổi mới để thu hút du khách được thực hiện hiệu quả hơn. Doanh nghiệp chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch như: Ðẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh du lịch; tham gia các hội chợ du lịch trong nước và ngoài nước; hỗ trợ, tài trợ các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch. Tổng Giám đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội Nguyễn Văn Dũng cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ khách sạn, tìm kiếm và kết nối với các đối tác trọng điểm để xúc tiến du lịch vào một số thị trường ổn định, có nhiều tiềm năng phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, ASEAN... Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh doanh từ năm 2016 đến nay tăng từ 12% đến 15%. Chín tháng đầu năm 2019, doanh thu của Tổng công ty đạt gần 1.500 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch năm; nộp ngân sách gần 323 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch năm.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải, từ khi có Nghị quyết số 06, các cấp, các ngành của thành phố chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá với nhiều điểm đột phá. Trong đó có việc lần đầu tiên thực hiện quảng bá trên mạng tin tức truyền hình cáp quốc tế CNN (Mỹ) để thu hút khách quốc tế, cũng như chủ động thay đổi phương thức xúc tiến bằng cách mời các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đến Hà Nội để trực tiếp khảo sát thay vì chủ yếu đi xúc tiến ở nước ngoài. Ngành du lịch Thủ đô có những sản phẩm chất lượng cao như: không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố bích họa Phùng Hưng, phố sách Hà Nội, xe buýt hai tầng, chương trình biểu diễn thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ"... Hiện, thành phố đã công nhận 11 điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố; thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì.

Nhờ đó, chỉ sau ba năm thực hiện, đến nay thành phố đã cơ bản hoàn thành tất cả bốn chỉ tiêu nghị quyết đề ra (chỉ tiêu về khách du lịch đến Hà Nội; tổng thu từ khách du lịch; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú; đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch). Ðáng chú ý, lượng khách du lịch trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng nhanh, mức tăng bình quân ước đạt 10,1%/năm, trong đó năm 2019 đạt 28,945 triệu lượt khách. Trong đó, riêng mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt bình quân 21,2%/năm, hoàn thành sớm hai năm chỉ tiêu khách du lịch quốc tế đến Hà Nội được đề ra tại nghị quyết.

Còn nhiều dư địa phát triển

Với những kết quả này, Hà Nội được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá, bình chọn trong nhóm dẫn đầu các điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới, đồng thời nhận nhiều giải thưởng và đề cử danh giá, như: Có mặt trong danh sách bình chọn "Ðiểm đến thành phố hàng đầu thế giới" của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA); đứng thứ 15 trong số 161 điểm đến hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương theo đánh giá của Mastercard; được nhận giải Travelers’ Choice Awards năm 2019, xếp thứ 4 trong số 25 điểm đến hàng đầu châu Á và xếp thứ 15 trong số 25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor...

Dù vậy, Sở Du lịch Hà Nội cũng đánh giá, so với lượng khách du lịch quốc tế đến các thành phố khác có ngành du lịch phát triển trong khu vực Ðông - Nam Á và lân cận, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội còn có khoảng cách. Năm 2018, khách quốc tế đến Hà Nội bằng một phần năm lượng khách quốc tế đến Hồng Công (Trung Quốc), bằng một phần tư lượng khách đến Băng-cốc (Thái-lan), bằng một phần ba lượng khách đến Xin-ga-po, bằng một phần hai lượng khách đến Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a)…

Tại các buổi kiểm tra mới đây về kết quả thực hiện Nghị quyết số 06 tại một số đơn vị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, dư địa, tiềm năng của du lịch Hà Nội chưa được khai thác hết. Vì vậy, các sở, ngành phải làm công tác quy hoạch để thúc đẩy tiến độ các dự án về hệ thống cơ sở vật chất, nhất là các khách sạn 4 sao, 5 sao trên địa bàn thành phố. Bởi hiện Hà Nội mới có 67 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao, chiếm tỷ lệ 8,4% cả nước. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội giai đoạn 2017 - 2018 chiếm tới 26,8% lượng khách của cả nước. Ðồng thời, tiếp tục có những sản phẩm mới, giàu tính trải nghiệm; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá để không chỉ thu hút khách du lịch quốc tế, mà còn cả khách du lịch trong nước, bảo đảm phát triển bền vững.