Hà Nội - một góc nhìn

Bồ chữ ở làng

Làng đẹp bình dị và giàu văn hóa đọc. Điều đó đã trở thành nền nếp truyền thống khi mỗi người con của làng Bình Vọng (huyện Thường Tín, Hà Nội) đều yêu chữ và muốn xây dựng văn hóa đọc, coi thư viện làng như là “bồ chữ”, “bồ tri thức” để học lấy cái hay ở đời.

Người dân đọc sách tại thư viện làng Bình Vọng (huyện Thường Tín). Ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG
Người dân đọc sách tại thư viện làng Bình Vọng (huyện Thường Tín). Ảnh: NGUYỄN VĂN CÔNG

Người Bình Vọng tự hào và hiểu tầm quan trọng của chữ nghĩa. Ai hiểu chữ, tiếp cận được con chữ thì người đó sẽ tiếp cận được với tri thức. Tôi đã khám phá nhiều ngôi làng ngoại thành Hà Nội, vịn tay lên nhiều bức tường cổ với những thớ rêu xanh trầm ấm. Tôi đã đứng dưới nhiều gốc cổ thụ ở những ngôi làng văn hóa, những cây muỗm cổ thụ bao tháng ngày soi bóng nước hồ trước đình làng để lại ấn tượng vì sự hài hòa của cảnh sắc, tạo nên cảnh quan xanh mát. Trong không gian ấy, chiếc cầu ngói trăm năm của làng bắc qua hồ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, càng tạo nên một không gian thanh bình hiếm có. Nằm bên cạnh hồ, thư viện làng hằng ngày có nhiều người đến đọc. Từ những em học sinh đến những cụ già râu tóc bạc phơ. Mỗi người đều nhặt nhạnh, tìm kiếm trong đó tri thức làm người, học cách đối nhân xử thế và học cả cách dấn thân, thực hiện khát vọng.

Tôi gặp một em sinh viên đại học, người mà gần mười năm trước là một “mọt sách” của thư viện làng. Khuôn mặt khôi ngô của em hiện lên sự tự tin của một người từng vượt qua khó khăn, vươn lên tự lập. Những năm cần cù ở thư viện làng đã giúp em có một “khối tài sản” lớn trong tâm hồn. Em bảo, nếu không có thư viện làng, em đã chẳng quyết tâm để trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Khi ước mơ thành hiện thực, em về làng lan tỏa tinh thần hiếu học và ham đọc sách. Nhiều người con ra đi từ làng, khi thành đạt cũng tham gia đóng góp cho quỹ khuyến học của quê hương, bổ sung sách cho kho tàng tri thức của làng ngày càng thêm giàu có. Nhiều cụ già của làng Bình Vọng thay nhau trực, trông nom thư viện, làm thẻ cho mượn sách miễn phí. Đó là công việc tự nguyện khiến các cụ thấy vui, vì ở đoạn đời cây cao bóng cả vẫn được làm việc có ích cho làng. Đồng thời, các cụ an tâm vì con cháu trong làng ham đọc, ham học. Con chữ và tri thức ngấm vào người sẽ là kháng thể đối với thói ích kỷ, những trò chơi vô bổ. Con chữ cũng xua đi tệ nạn và thói côn đồ trong giới trẻ. Có cụ nói vui, con chữ và thư viện góp phần gìn giữ bình yên xóm làng.

Ngoại thành Hà Nội không chỉ có thư viện làng Bình Vọng. Nhiều ngôi làng cổ có truyền thống hiếu học đã xây dựng được tủ sách của làng, tủ sách của dòng họ, xây dựng nếp sống văn hóa và mô hình học tập suốt đời. Các ngôi làng giàu văn hóa đọc đang làm lan tỏa văn hóa đọc cho các ngôi làng chung quanh. Người nông dân không chỉ biết đến chuyện mưu sinh mà còn được bồi bổ nhờ sách.

Mừng là làng tôi vẫn giữ được nhiều cổ thụ. Mầu xanh cổ thụ tốt tươi tỏa bóng trăm năm xuống làng, cũng là nơi thắp sáng ước mơ cho bao thế hệ tuổi trẻ. Dưới gốc cổ thụ, có nhiều đứa trẻ ngồi đọc sách, nhiều cụ già làm thơ và chiêm nghiệm những bài học đạo đức để răn dạy cháu con. Các cụ nói rằng, chỉ cần mỗi người đều hướng đến sách thì sẽ có cách xây dựng “bồ tri thức” cho riêng dòng họ hoặc cho làng. Từ mỗi điều giản dị như thế, các ngôi làng cùng lớn lên.