Biến tướng của kinh doanh đa cấp

Dù đã có nhiều biện pháp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhưng trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng mô hình kinh doanh này để lừa đảo, trục lợi từ người dân. Đáng chú ý là hình thức huy động đầu tư tiền ảo theo hình thức đa cấp đang nở rộ dưới nhiều tên gọi khác nhau.

Gần đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã đưa ra cảnh báo tình trạng các trang điện tử như kiemtienfuturenet.com; futurenet.vn; getrich.vn; futurenet.edu.vn; meodautu.com/cach-kiem-tien-thu-dong-voi-futurenet… đang có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép. Những trang này đều mời gọi người tham gia bằng cách đưa ra mức thu nhập thụ động tới hàng nghìn USD/người/tháng bằng nhiều cách rất đơn giản. Người tham gia sẽ có tiền thưởng từ việc quảng cáo FutureAdPro, tuyển dụng, giới thiệu, xây dựng hệ thống mạng lưới người tham gia...

Thí dụ, mỗi ngày, người tham gia nhấp chuột vào 10 quảng cáo trên trang chủ có thể mua 1 AdPack (đơn vị do FutureNet quy định) với giá 50 USD và khi đó, nhà đầu tư sẽ có 60 USD hoặc hơn tùy thuộc vào sự phát triển mạng lưới. Mạng lưới này còn thưởng 5% khi giới thiệu thêm người tham gia hoặc lên vị trí. Chưa kể, người tham gia còn được hứa hẹn trao nhiều phần thưởng là hiện vật có giá trị như xe ô-tô, máy tính bảng, điện thoại thông minh, các chuyến du lịch...

Trước đó, Sở Công thương Hà Nội đã phát đi cảnh báo việc ví điện tử New Life của Công ty CP Đầu tư và Phát triển thương mại điện tử quốc tế có dấu hiệu kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Người nào muốn tham gia chỉ cần đóng khoản tiền ít nhất 50 USD để nạp vào ví điện tử New Life, sau đó tiền được đổi sang tên gọi mới là "cash". Người tham gia có thể thu lợi nhuận bằng cách giới thiệu thêm người khác vào hệ thống để hưởng hoa hồng. Ví điện tử này chỉ cho phép người tham gia nạp tiền, chuyển tiền trong hệ thống khép kín chứ không được rút tiền. Trong khi đó, Thông tư 39 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán quy định, việc nạp tiền vào ví điện tử, rút tiền ra khỏi ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng. Ví điện tử phải liên thông với ngân hàng. Thế nhưng, New Life không có tên trong danh sách các ví điện tử được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép. Hiện website của ví điện tử New Life tại địa chỉ newlifevngroup.com đã không truy cập được.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, theo Nghị định 40/2018/NĐ-CP, doanh nghiệp muốn hoạt động bán hàng đa cấp phải được cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, hoạt động kinh doanh theo phương thức này chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh đa cấp đối với đối tượng không phải hàng hóa đều bị cấm. Thời gian gần đây, việc huy động đầu tư tiền ảo theo hình thức đa cấp vẫn phát triển mạnh dù đã có nhiều vụ việc bị phanh phui, nhiều sàn giao dịch bị "sập" khiến không ít người "trắng tay". Đầu tư tiền ảo theo phương thức đa cấp hiện tại không có giấy phép, không có hàng hóa, chỉ có tiền ảo được giao dịch trên mạng in-tơ-nét với lời hứa hẹn lợi nhuận tăng gấp hàng chục lần nhưng không hề có cơ sở bảo đảm. Hiện Việt Nam cũng chưa thừa nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán cho nên nếu tham gia vào các mạng lưới này tức là người dân đã biến "tiền thật" thành "tiền ảo" và nguy cơ bị mất tiền là rất cao.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm, bên cạnh tiền ảo còn nhiều mặt hàng khác thường được kinh doanh theo phương thức đa cấp như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ gia dụng... Mặc dù số lượng các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội đã giảm (từ 57 doanh nghiệp năm 2015 xuống còn 26 doanh nghiệp vào tháng 9-2018) song dấu hiệu vi phạm, lừa đảo và biến tướng vẫn diễn ra phức tạp với nhiều hình thức tinh vi hơn, nhất là các tổ chức, cá nhân hoạt động theo hình thức kinh doanh đa cấp trái phép, đầu tư vào hệ thống tiền ảo.

Phó Cục trưởng Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn cho biết, để được đăng ký hoạt động kinh doanh đa cấp, doanh nghiệp phải có 10 tỷ đồng ký quỹ tại ngân hàng thay vì năm tỷ đồng như trước. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có hệ thống công nghệ thông tin vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam, có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về hoạt động của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không được phép cho ký gửi hàng hóa, buộc các bên phải giao nhận hàng hóa sau khi thanh toán, xuất hóa đơn theo từng giao dịch bán hàng. Nghị định 40/2018/NĐ-CP còn quy định rõ mọi giao dịch chi trả hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mãi và lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp đều phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Do đó, người dân không nên chạy theo lợi nhuận, bị hấp dẫn về tiền thưởng mà tin những lời giới thiệu không rõ ràng, minh bạch. Cần chủ động tìm hiểu các quy định đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cũng như những quyền lợi, trách nhiệm trước khi đầu tư vào một mạng lưới nào đó.