Bay xa hương cốm Mễ Trì

Mễ Trì (nay thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) là làng cốm lâu đời của Hà Nội. Từ những hạt lúa non, qua nhiều công đoạn, người dân Mễ Trì làm ra những hạt cốm hương vị thanh tao, được ví như “hạt ngọc” của ruộng đồng, thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực người Hà Nội.

Hình ảnh quen thuộc ở làng cốm Mễ Trì.
Hình ảnh quen thuộc ở làng cốm Mễ Trì.

Nghề làm cốm Mễ Trì đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với giữ gìn các công đoạn làm nghề truyền thống, người dân Mễ Trì đang tích cực đổi mới cách làm, đổi mới sản phẩm.

Mễ Trì (nay thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) là làng cốm lâu đời của Hà Nội. Từ những hạt lúa non, qua nhiều công đoạn, người dân Mễ Trì làm ra những hạt cốm hương vị thanh tao, được ví như “hạt ngọc” của ruộng đồng, thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực người Hà Nội. Nghề làm cốm Mễ Trì đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Cùng với giữ gìn các công đoạn làm nghề truyền thống, người dân Mễ Trì đang tích cực đổi mới cách làm, đổi mới sản phẩm.

Những trang văn hay, những bài hát truyền cảm được nhiều người yêu thích thời gian qua khiến người ta thường nghĩ cốm là món quà của mùa thu Hà Nội. Nhưng thật ra, nghề cốm có hai vụ chính, theo hai vụ lúa chiêm và mùa. Những ngày đầu hè trước khi vào vụ gặt cũng là lúc những xe lúa nếp non tấp nập ra, vào Mễ Trì. Ngay sau khi chuyển về, những hạt lúa nếp non mang mầu xanh ngắt, vẫn còn tươi nguyên được người dân tuốt ra, loại bỏ hạt lép, rửa sạch rồi đưa vào công đoạn chế biến đầu tiên là rang thóc. Các hộ gia đình đều sử dụng những chiếc chảo gang dày, kích cỡ lớn. Quá trình rang phải để nhỏ lửa và đảo liên tục cho lúa chín từ từ, không bị chín ép, không bị quá khô. Mỗi mẻ cốm phải rang mất gần hai giờ mới hoàn thành. Lúa non chín vừa tới thì được lấy ra, để nguội rồi mới cho vào giã. Tiếp đó, những người phụ nữ khéo tay sẽ dần, sàng, nhặt hết các đầu mày, chấu còn sót lại. Mỗi mẻ cốm phải dần sàng liên tục ba lần. Cốm làm xong, lập tức được gói kín để giữ độ ẩm. Lót phía trong cùng là lá dáy. Mùa hè, người dân Mễ Trì đặt sẵn lá sen để hương cốm quện với mùi lá sen khiến hương vị thêm quyến rũ. Được làm từ lúa non, cho nên cứ một tạ thóc mới cho ra từ 15 đến 18 kg thành phẩm cốm. Anh Đỗ Đức Hiệp (làng Mễ Trì Hạ cũ, nay thuộc tổ 2, phường Mễ Trì) cho biết: “Nghề làm cốm đã có từ hàng trăm năm nay ở Mễ Trì. Chúng tôi vẫn giữ các công đoạn làm cốm như xưa, nhưng áp dụng thêm máy móc như máy quay để đảo cốm, máy giã cốm… cho nên người làm cốm đỡ vất vả hơn. Dù có máy móc hỗ trợ, chúng tôi vẫn bảo đảm sản phẩm có vị thơm, dẻo như thời các cụ truyền lại”.

Mễ Trì xưa vốn có tên là Anh Sơn, tên Nôm là Kẻ Mẩy. Ruộng đất phì nhiêu, người dân cấy cày trồng ra được những loại thóc gạo dẻo thơm. Ngon nhất là lúa tám xoan. Cái tên Mễ Trì có nghĩa là “ao gạo” phần nào cho thấy đặc sản của vùng đất này. Nhờ có giống lúa tám ngon có tiếng cho nên cốm Mễ Trì vừa dẻo, vừa thơm một cách thanh nhã. Có điều, do Hà Nội còn có cốm Vòng (quận Cầu Giấy) cho nên ít người biết đến cốm Mễ Trì. Mãi những năm gần đây, khi ý thức về “thương hiệu” tăng lên, chính quyền địa phương cũng như người dân mới có những nỗ lực để khẳng định giá trị của hạt cốm Mễ Trì. Một trong những hoạt động nổi bật là tổ chức “Ngày hội cốm Mễ Trì” lần đầu vào năm 2012. Từ đó đến nay, sự kiện này trở thành hoạt động văn hóa hằng năm, cùng với giới thiệu cốm, kỹ thuật làm cốm,... thu hút đông khách tham quan.

Do quá trình đô thị hóa, những cánh đồng lúa ở Mễ Trì nay đã không còn, nhưng để bảo đảm chất lượng sản phẩm, người Mễ Trì tìm đến những vùng trồng lúa ngon ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên… để đặt hàng. Hiện tại, toàn phường có khoảng 80 hộ gia đình sản xuất, kinh doanh cốm. Trước đây, người dân chỉ chủ yếu sản xuất cốm, còn hiện giờ, do nhu cầu của thị trường, người dân cho ra đời thêm nhiều sản phẩm mới như: Chả cốm, xôi cốm, bánh cốm, cốm khô, cốm tươi cấp đông… Nếu như trước đây, muốn để lâu, muốn làm quà tặng cho bạn bè người ta thường chọn cốm khô thì nay còn có cốm tươi cấp đông. Cốm tươi cấp đông của người Mễ Trì được khách hàng ưa chuộng, chỉ bỏ ra khỏi ngăn đá một lúc, hạt cốm dẻo gần như mới được chế biến, ngon hơn hẳn cốm khô. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Khi khảo sát các nghề truyền thống có giá trị trên địa bàn, chúng tôi đánh giá rất cao việc gìn giữ các kỹ thuật cổ truyền, sự tâm huyết của người dân địa phương với nghề cốm và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong bảo tồn, phát huy giá trị nghề. Đó là lý do nghề cốm Mễ Trì được chọn làm hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể và đã được công nhận. Việc này đem lại hiệu ứng hết sức tích cực. Người dân gắn bó hơn với nghề truyền thống, việc quảng bá có nhiều thuận lợi. Và điều rõ rệt nhất là sản lượng cốm Mễ Trì đã tăng lên đáng kể”.

Cốm Mễ Trì hiện giờ không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, là món quà mà khách du lịch ưa chuộng. Tại Hội nghị cấp cao Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, trong hàng trăm món ẩm thực của Hà Nội, thành phố đã quyết định chọn cốm Mễ Trì là một trong chín món đặc sản ẩm thực để mời bạn bè quốc tế. Nghề cốm Mễ Trì là một trong số ít những nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy, đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện tại, UBND phường Mễ Trì đang đề nghị cấp trên cho phép xây dựng một khu sản xuất, giới thiệu sản phẩm làng nghề, để người dân sản xuất, giới thiệu sản phẩm. Nếu đề xuất này được thông qua, cốm Mễ Trì sẽ có thêm cơ hội mới để phát triển và quảng bá tới đông đảo người dân về một nét văn hóa ẩm thực độc đáo của Thủ đô.