Bảo tồn di sản

Bắt đầu từ những viên gạch nhỏ

Bài 2: Khơi thông những mạch ngầm văn hóa

Di sản văn hóa phi vật thể luôn gặp thách thức khi xã hội thay đổi hiện đại hơn. Nhưng trên mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến, luôn có những người yêu quý, bảo tồn di sản. Đó là những ông giáo về hưu, những “trí thức làng”, hay chính những người cả đời gắn bó với ruộng đồng... Những chính sách hợp lý của thành phố đã khơi thông mạch ngầm và khuyến khích người dân bảo tồn di sản.

Lễ hội Hai Bà Trưng tại đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) được bảo tồn, phát huy giá trị.
Lễ hội Hai Bà Trưng tại đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) được bảo tồn, phát huy giá trị.

Tình yêu của những nghệ nhân làng

Ông Ðông Sinh Nhật (xã Tân Hội, huyện Ðan Phượng) lại lọ mọ với đống giấy tờ như thường ngày. Ông lấy những cuốn sổ cũ đã úa màu thời gian, sao chép lại tài liệu "để dành cho mai sau". Ðó là những tư liệu về điệu hát chèo Tàu đặc trưng của Tân Hội. Chèo Tàu là nghi lễ đặc sắc nhất trong lễ hội tưởng nhớ Văn Dĩ Thành, một vị tướng lãnh đạo người dân khởi nghĩa chống giặc Minh. Người dân hát những bài hát riêng có của địa phương để ca ngợi tướng Văn Dĩ Thành. Chèo Tàu mai một từ năm 1922, rất lâu trước khi ông Nhật ra đời (năm 1946). Nhưng những "mảnh vỡ" của làn điệu này lại được những người mẹ Tân Hội giữ lại trong những câu hát ru. Tâm hồn cậu bé Nhật được tưới tắm bởi những làn điệu như thế và lớn dần theo năm tháng…

"Tôi đã đi tìm câu hát chèo Tàu mấy chục năm nay, từ khi chưa ai nghĩ đến việc khôi phục", ông Nhật nhớ lại. Ông cùng những người tâm huyết trong làng đi "nhặt" những câu ca, rồi truyền dạy cho thế hệ trẻ, vận động mọi người khôi phục lễ hội. Chính quyền cũng quan tâm hơn đến công tác khôi phục, động viên tinh thần nghệ nhân và các cháu nhỏ tham gia. Lễ hội chèo Tàu được tổ chức trở lại. Người đi "nhặt" những câu dân ca ấy, bây giờ đã được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú.

Hà Nội có 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Nghệ thuật trình diễn (ca trù, hát văn, chèo Tàu...), tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức…), tri thức dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống… Cùng với đó là hàng nghìn nghệ nhân - những "hạt nhân" di sản, dù là di sản đã được vinh danh như: Lễ hội Thánh Gióng, nghi lễ kéo co ngồi ở Thạch Bàn... hay những tập tục, tri thức dân gian chưa được nhiều người biết đến. Số lượng người tham gia thực hành còn lớn hơn thế. Riêng lễ hội Thánh Gióng ở Phù Ðổng (huyện Gia Lâm) vào năm chính hội có đến gần 1.000 người diễn xướng. Cũng như nghệ nhân Ðông Sinh Nhật, mỗi con người gắn bó với di sản, là những câu chuyện về tình yêu, về số phận, về thăng trầm... Gia đình cố Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Mùi (con gái là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thúy Hòa, Giáo phường Ca trù Thái Hà) yêu ca trù đến độ khi ca trù bị hiểu lầm, gia đình vẫn tổ chức những canh hát "chui", vẫn cho con theo học ca trù khi nhiều người cho là "hâm hấp". Gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tiệm (xã Văn Tự, huyện Thường Tín), nhiều đời thờ thánh Mẫu, gắn bó với hầu đồng, cũng từng bị nhìn nhận là "mê tín, dị đoan". Mặc dù vậy gia đình vẫn vượt lên dư luận, gìn giữ những giá trị văn hóa. Họ còn là những con người không có năng khiếu văn hóa, nghệ thuật, nhưng gắn bó với di sản bằng tình yêu, như trường hợp ông Nguyễn Văn Ðạm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê (huyện Ðông Anh). Trò chuyện với ông Ðạm, mọi người đều thấy một kho kiến thức dày dặn. Nhưng khi đề nghị ông hát thử, ông chỉ cười. Ông Nguyễn Văn Ðạm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù không biết hát. Nhưng bằng nhiệt huyết với quê hương, ông là người đứng đằng sau những thành công của ca trù Lỗ Khê hôm nay, trong công tác tổ chức, trong vận động người dân bảo tồn… Thăng Long, xứ Ðoài đều là những vùng văn hóa nghìn năm. Cái mạch văn hóa truyền thống vẫn được nhiều người âm thầm gìn giữ. Và chỉ cần chính sách hợp lý để khơi dậy…

Lan tỏa "tinh thần 04"

Triển khai Chương trình số 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" (Chương trình số 04), các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã bảo tồn di sản theo nhiều hình thức khác nhau. Quan trọng nhất là thực hiện đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và xây dựng các chương trình bảo tồn sau khi kiểm kê. Ở mỗi di sản, quá trình kiểm kê là quá trình mà cán bộ văn hóa phối hợp người dân địa phương nhận diện, đánh giá các giá trị mà người dân đang giữ gìn. Nếu di tích là thứ dễ nhận diện, thì giá trị di sản lại khác. Nhiều nơi sau khi làm việc mới nhận ra đó là di sản, nhất là những phong tục, tập quán, như kết chạ; hay tiếng lóng, hoặc một số tri thức dân gian… Phó trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Bùi Thị Hương Thủy cho biết: "Thông qua hoạt động kiểm kê di sản, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, người dân tại cơ sở thay đổi. Nhận thức thay đổi, trách nhiệm được nâng lên. Còn chúng tôi nắm rõ ưu, nhược điểm trong công tác bảo tồn di sản ở mỗi địa phương để đề xuất các giải pháp phù hợp".

Về phía cơ sở, ông Âu Xuân Kiên, người có công đầu khôi phục Lễ hội Trường Lâm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (quận Long Biên) chia sẻ: "Người dân Trường Lâm cũng như người dân các địa phương đều yêu mến văn hóa truyền thống. Việc Thành ủy xây dựng một Chương trình về văn hóa, giáo dục, trong đó có bảo tồn di sản cho thấy Ðảng hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền được nâng lên. Nhờ thế, khi vận động người dân khôi phục, bảo tồn lễ hội, nhất là nghi lễ "Múa lột rắn", mọi việc trở nên thuận lợi hơn". Nghệ nhân Ðông Sinh Nhật từng chỉ biết miệt mài sưu tầm, gìn giữ chèo Tàu. Mãi sau này ông mới biết, việc chính quyền quan tâm, ngành văn hóa hỗ trợ việc khôi phục, bảo tồn chèo Tàu chính là triển khai thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy tại địa phương. Câu chuyện của ông Nhật và chèo Tàu cho thấy, không phải cứ hô hào, cứ khẩu hiệu là thành công. Chính sách sẽ thành công, khi nó thẩm thấu, lan tỏa trong cuộc sống. Nhiều nghệ nhân thường gọi công tác bảo tồn hiện nay là thực hiện "tinh thần 04".

Các nhà khoa học đều nhận định: Gìn giữ văn hóa vật thể đã khó, nhưng giữ gìn văn hóa phi vật thể còn khó hơn nhiều. Bởi văn hóa phi vật thể là thứ vô hình, chỉ tồn tại, chỉ "nhìn thấy" khi người dân thực hành. Di sản văn hóa phi vật thể luôn gặp thách thức khi xã hội đổi thay theo hướng ngày càng hiện đại hơn, công nghiệp hơn. Song, sức lan tỏa của "tinh thần 04" trong nhân dân giúp chúng ta có niềm tin vững chắc ở tương lai.

(Còn nữa)

(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 9-7-2019.