Bảo tồn, phát triển bền vững khu phố cổ

Bảo tồn hình thái kiến trúc các tuyến phố hiện có, trục trung tâm thương mại kết hợp nhà ở truyền thống, cải tạo lõi bên trong các ô phố, công trình, để tạo hình ảnh kiến trúc đô thị cổ đặc trưng, thiết lập không gian văn hóa đặc thù để tổ chức lễ hội; nâng cao điều kiện sống của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội… là những mục tiêu chính của đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A vừa được UBND thành phố Hà Nội thông qua.

Tuyến đường Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân được xác định trục chính trong quy hoạch H1-1A.
Tuyến đường Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân được xác định trục chính trong quy hoạch H1-1A.

Tại Quyết định 1361/QÐ-UBND, ngày 19-3-2021 của UBND thành phố Hà Nội, đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-1A có diện tích khoảng 80,93 ha, thuộc địa giới hành chính mười phường của quận Hoàn Kiếm, gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Ðông, Lý Thái Tổ, Ðồng Xuân, Hàng Gai và Hàng Ðào. Quy mô dân số khoảng 45.000 người, được phân chia thành sáu ô quy hoạch và đường giao thông. Tại các ô quy hoạch sẽ được nghiên cứu bổ sung hạ tầng xã hội, bảo tồn cấu trúc các ô phố với nhà ống có sân trong.

Bố cục không gian kiến trúc, không gian đô thị khu vực này được xác lập chủ yếu là công trình thấp tầng với mật độ cao. Về hình thức, các công trình khuyến khích được phục dựng theo kiến trúc đặc trưng của khu phố cổ. Trong đó, khu vực trọng tâm là trục đường Hàng Ðào - Hàng Ngang - Hàng Ðường - Ðồng Xuân, gắn kết hai không gian quan trọng là Quảng trường Ðông Kinh Nghĩa Thục và không gian mở gắn với chợ Ðồng Xuân (khu vực bảo tồn cấp I). Quy hoạch nêu rõ, các công trình trong khu vực bảo tồn cấp I phải được bảo tồn theo hướng phục dựng nguyên gốc hoặc theo phong cách truyền thống; thực hiện giãn mật độ xây dựng trong các ô phố. Các công trình có giá trị trên trục trung tâm, đường trục chính Hàng Ðào - Hàng Ngang - Hàng Ðường - Ðồng Xuân với các ô phố tiệm cận, được bảo tồn, cải tạo nguyên trạng. Các công trình khác được phục dựng theo kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ và được kiểm soát theo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc có liên quan. Ðồng thời, xây dựng hình ảnh tuyến phố đi bộ với các cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống để phục vụ du lịch. Các tuyến phố được phân loại theo tính chất đặc trưng, gồm: Phố nghề truyền thống, phố chuyên doanh, phố đi bộ, ngõ phố, được kiểm soát kiến trúc mặt đứng. Chiều cao của các công trình mặt phố tùy theo đặc điểm, tính chất đặc trưng của từng tuyến phố và phải tuân thủ theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu vực được duyệt.

Về tầng cao, chiều cao công trình phải tuân thủ các quy chế quản lý kiến trúc có liên quan trong khu vực và các quy định của đồ án. Tuy nhiên, đối với các khu đất có chiều rộng từ 7 m trở lên, chiều sâu so với chỉ giới đường đỏ từ 16 m trở lên, không thuộc ranh giới khu phố cổ, có mặt cắt ngang đường 13 m trở lên, thuận lợi về giao thông, đáp ứng yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy có thể xem xét nghiên cứu xây dựng công trình cao tám tầng phục vụ thương mại, dịch vụ, khách sạn...

Ðồ án quy hoạch nêu rõ, phần lớn các chức năng sử dụng đất đã ổn định, quỹ đất tái phát triển rất hạn chế, cho nên đồ án cho phép vận dụng tăng chỉ tiêu sử dụng đất bằng cách quy đổi từ đất cây xanh trong các công trình di tích, tôn giáo thành đất cây xanh sử dụng công cộng; đồng thời bổ sung cây xanh đường phố, cây xanh theo mảng, theo lớp; bổ sung vườn trên sân thượng, ban-công, mái nhà, vách đứng... với khoảng 4.290 công trình trong khu phố cổ; đồng thời khuyến khích trồng cây đối với nhà ở riêng lẻ và quy định bắt buộc trồng cây đối với hệ thống công trình công cộng, cơ quan, trường học...

Về đường bộ, mạng lưới đường giao thông trong khu vực quy hoạch cơ bản đã có chỉ giới đường đỏ ổn định. Do đó, một số tuyến phố sẽ được cải tạo, chỉnh trang vỉa hè và lòng đường bảo đảm về cảnh quan đô thị. Các tuyến đường liên khu vực gồm: Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải (đê hữu Hồng) sẽ được nghiên cứu cải tạo, mở rộng thêm từ hai đến bốn làn xe, mở rộng vào phần đất dải phân cách giữa đường hoặc thay thế kết cấu đê đất bằng đê bê-tông cốt thép để nâng cao năng lực lưu thông.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại đồ án quy hoạch xác định tuyến đường sắt quốc gia đoạn chạy dọc theo phố Gầm Cầu về lâu dài sẽ dỡ bỏ, cầu Long Biên được cải tạo nâng cấp thành cầu đường bộ. Quá trình triển khai sẽ nghiên cứu gắn kết với các dự án cải tạo, phát huy giá trị vòm cầu dẫn đường sắt, dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử - văn hóa cầu Long Biên. Cầu đường sắt sẽ được xây mới tại vị trí cách cầu Long Biên hiện có khoảng 75 m về phía thượng lưu.

Theo đại diện Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội là không gian đặc biệt quan trọng cho nên đồ án quy hoạch phân khu được nghiên cứu rất công phu. Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã tiếp thu giải trình, bổ sung hoàn chỉnh theo các góp ý của chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan, Bộ Xây dựng và theo các chỉ đạo của UBND thành phố. Ðồ án quy hoạch phân khu H1-1A được duyệt sẽ là cơ sở để quản lý, phát triển khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.

Ngọc Anh

Quan tâm tạo sinh kế cho người dân

Gia đình tôi sống trong căn nhà rộng vài mét vuông suốt mấy chục năm qua. Gọi là nhà nhưng đó chỉ là chỗ chui ra, chui vào mà thôi. Trong khu phố cổ Hà Nội, nhiều gia đình cũng có hoàn cảnh sống giống gia đình tôi. Không chỉ chật, nhà ở sâu trong ngõ còn thiếu ánh sáng và rất ngột ngạt. Nhà chật, cho nên mọi sinh hoạt đều bất tiện. Gần đây, tôi được biết thành phố đã thông qua Quy hoạch phân khu dành cho bốn quận nội thành cũ, trong đó có một quy hoạch dành riêng cho phố cổ. Chúng tôi đều nhất trí với chủ trương của thành phố, nếu được chuyển đến một nơi khang trang, sạch đẹp hơn thì ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, tôi băn khoăn là khi chuyển đến chỗ mới thì chúng tôi sẽ làm gì để sinh sống. Gia đình tôi lâu nay sống bằng nghề bán trà đá ngay ở ngõ 33, phố Hàng Vải. Khi chuyển đến chỗ mới vợ chồng tôi khó có thể tiếp tục kiếm sống được bằng nghề cũ, trong khi chúng tôi đều đã cao tuổi. Ðây là điều mà nhiều người cũng lo lắng nếu phải di dời.

Hà Ðình Thành

(Ngõ 33, phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm)