Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa ở Gia Lâm

Thuộc trấn Kinh Bắc xưa, huyện Gia Lâm vốn là mảnh đất có bề dày văn hóa với 318 di tích, trong đó có những di tích nổi tiếng như: Đền Phù Đổng, đền Bà Tấm… Trong bốn năm qua, Gia Lâm đã đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng tôn tạo, kiểm kê hiện vật di tích. Hiện, huyện đang nỗ lực xây dựng các đề án phát triển du lịch trên cơ sở khai thác giá trị di sản của địa phương.

Chăm sóc, bảo quản hiện vật nghê đá tại đình Bình Minh.
Chăm sóc, bảo quản hiện vật nghê đá tại đình Bình Minh.

Huyện Gia Lâm vừa mới hoàn thành kiểm kê hiện vật trong các di tích. Huyện có hàng trăm di tích, mỗi di tích lại có hàng trăm hiện vật, gồm các chủng loại khác nhau như: Tượng thờ, đồ thờ, sắc phong… Trong đó, hệ thống hiện vật gồm nhiều chất liệu: Gỗ, đá, đồng, giấy; cũng như nhiều niên đại khác nhau. Tuy nhiên, xác định bảo tồn di tích mới là gìn giữ phần “vỏ”. Hồ sơ di tích có vai trò hết sức quan trọng cho nên UBND huyện đã giao cho Phòng Văn hóa - Thông tin triển khai thực hiện trong ba năm. Đối với mỗi di tích, cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng một bộ hồ sơ, gồm các nội dung: Phiếu kiểm kê, sơ đồ vị trí các hiện vật thời điểm kiểm kê. Trong đó, phiếu kiểm kê có các nội dung: Khảo tả hiện vật, ước lượng niên đại, ảnh các góc độ của hiện vật, khái quát giá trị hiện vật… Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết: “Đây là khối lượng công việc lớn, trong khi đó, kinh phí lại hạn chế. Bởi vậy chúng tôi cùng đơn vị tư vấn phải nỗ lực rất nhiều. Mỗi năm, chúng tôi làm “cuốn chiếu” được một số di tích. Trong quá trình kiểm kê, người dân đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc cung cấp thêm thông tin bổ sung. Mỗi bộ hồ sơ chúng tôi lại làm ba bản khác nhau, giao cho địa phương lưu giữ một bản. Qua việc kiểm kê, người dân các địa phương đã nâng cao nhận thức về giá trị hiện vật, từ đó, tăng cường các biện pháp bảo vệ, gìn giữ hiện vật trong di tích”.

Gia Lâm vốn sở hữu nhiều cổ vật, di vật quý giá. Trong đó có các bảo vật quốc gia như đôi sư tử đá và hai khám cổ thời Mạc tại di tích đền Bà Tấm (xã Dương Xá), tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn tại chùa Thánh Ân (thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn)... Quá trình kiểm kê giúp chính quyền, người dân địa phương nhận diện rõ hơn và phát hiện thêm những cổ vật đặc biệt. Điển hình như tại đền Bà Tấm, khi kiểm kê, các chuyên gia và cán bộ văn hóa nhận thấy có một bức tượng đá cao khoảng 40 cm được thờ ngoài trời. Cho rằng đây là pho tượng có giá trị, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã mời thêm các chuyên gia về khảo cổ, mỹ thuật để đánh giá. Các chuyên gia nhận định: Đây là pho tượng Thái hậu Ỷ Lan, có niên đại từ thời Lý. Ngay lập tức, pho tượng được đưa vào bảo quản đặc biệt. Đồng thời, huyện Gia Lâm đề xuất với Sở Văn hóa và Thể thao làm hồ sơ đề xuất công nhận bảo vật quốc gia cho pho tượng này. 

Đối với công tác tu bổ, tôn tạo di tích, tính từ năm 2016 đến nay, Gia Lâm là huyện đầu tư lớn nhất cho tu bổ di tích trong cả nước, với tổng kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng cho 60 di tích. Trong đó, ưu tiên những công trình tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng như đình, đền, do đây là những công trình thường gặp khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội so với các công trình tôn giáo. Điển hình như di tích đền Phù Đổng, di tích đình Bình Minh… Chúng tôi có mặt tại đình Bình Minh (thuộc tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ). Ngôi đình vốn được dựng lên trên nền hành cung Cổ Bi xưa (do chúa Trịnh Cương xây dựng). Kiến trúc cổ đã mất, những năm 1990, người dân vận động, đóng góp dựng lại nhưng quy mô nhỏ hẹp, trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của người dân địa phương. Sau đó, đình tiếp tục được trùng tu. Năm 2019, ngôi đình được đầu tư 20 tỷ đồng và hoàn thành tu bổ vào đầu năm 2020. Thủ từ đình Bình Minh Lê Xuân Phùng cho biết: “Hành cung Cổ Bi xưa tuy chỉ còn dấu tích, nhưng đều rất đặc biệt, nhất là hệ thống nghê đá, voi đá, hổ đá. Các nhà khoa học nhận định nghê đá đình Bình Minh thuộc diện lớn nhất Việt Nam. Nay được đầu tư tu bổ, di tích khang trang, sạch đẹp, làm nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, cho người dân. 

Để khai thác những tiềm năng, lợi thế về di tích, di sản, huyện Gia Lâm đang triển khai nhiều đề án như: Đề án phát triển du lịch xã Phù Đổng gắn với Lễ hội Gióng, Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; Đề án phát triển du lịch xã Dương Xá gắn với Khu di tích đền Bà Tấm; Đề án phát triển du lịch xã Ninh Hiệp gắn với chùa Nành, làng nghề thuốc nam, thuốc bắc, chợ vải... Bên cạnh đó, một số di tích như Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng và Di tích quốc gia đền Bà Tấm đang được lập hồ sơ đề nghị thành phố công nhận là Điểm du lịch của Thủ đô. Gia Lâm còn có hệ thống làng nghề phong phú, tiêu biểu như gốm Bát Tràng, quỳ vàng Kiêu Kỵ… Việc kết nối làng nghề - di sản và du lịch nông thôn sẽ tạo nên các tuyến du lịch hấp dẫn. Với những giải pháp này, cùng với nhiệm vụ bảo tồn, Gia Lâm đẩy mạnh khai thác giá trị của các di sản văn hóa, phát triển du lịch; thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.