Bảo tồn di sản: Bắt đầu từ những viên gạch nhỏ

Với số lượng di sản vật thể và phi vật thể đồ sộ, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản ở Hà Nội là nhiệm vụ nặng nề. Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” ra đời, đặt nhiệm vụ trọng tâm là bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản đã đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân. Nếu Chương trình số 04 là “bộ khung”, thì sự chung tay vào cuộc của cộng đồng, của những người dân giống như những viên gạch nhỏ, để góp phần quan trọng bảo tồn văn hóa Hà Nội bền vững với thời gian.

Di tích trên địa bàn Hà Nội đang phát huy giá trị nhờ sự chung tay của cộng đồng. Ảnh: QUANG VINH
Di tích trên địa bàn Hà Nội đang phát huy giá trị nhờ sự chung tay của cộng đồng. Ảnh: QUANG VINH

Bài 1: Điểm tựa lòng dân

Với chủ trương dựa vào dân để bảo tồn di tích, TP Hà Nội đang làm tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di tích, lưu giữ được những di sản tiêu biểu nhất của quốc gia.

Thay đổi nhận thức

Những ngày tháng 7 này, di chỉ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) đang được các nhà khoa học tích cực khai quật, nghiên cứu, đánh giá hiện vật. Người dân Lai Xá phần lớn không được đào tạo, không có kiến thức về khảo cổ lại là những người luôn quan tâm theo sát công việc này. Tại công trường khảo cổ, nhiều người dân đến tham quan, hỏi han các nhà khoa học về những phát hiện.

Di chỉ khảo cổ thường không có kết nối với đời sống người dân, người không có chuyên môn nhìn những hiện vật khảo cổ chẳng khác nào nhìn bức vách. Nhưng người dân Lai Xá vẫn gắn bó với di chỉ Vườn Chuối - một di chỉ khảo cổ quan trọng của Thủ đô. Từ năm 2017 đến nay, mỗi lần di chỉ đứng trước nguy cơ bị san lấp để xây dựng công trình, người dân Lai Xá đều kịp thời thông báo, kiến nghị với các cấp chính quyền. Thấy Vườn Chuối thường bị các đối tượng đào trộm cổ vật “viếng thăm”, người dân Lai Xá đã lập một đội bảo vệ không chuyên. Hễ phát hiện kẻ lạ xâm nhập, người dân đều kịp thời can thiệp để “giành” lại cổ vật, báo cáo cơ quan chức năng. Nhiều cổ vật phát lộ qua thời gian được người dân thu gom, gìn giữ. Gia đình ông Phạm Văn Hùng gom được hàng trăm hiện vật nhưng không giữ chúng làm của riêng mà sẵn sàng phối hợp các nhà khoa học để làm rõ hơn giá trị.

Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích đã được xếp hạng, gồm nhiều chủng loại: Thành cổ, đình, đền, chùa, miếu, từ đường, di chỉ khảo cổ… Với số lượng di tích lớn như vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô. Nhận thức rõ điều này, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 04 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, trong đó, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Số lượng di tích lớn, trong khi nhân lực, kinh phí thì có hạn. Để triển khai chương trình hiệu quả, song song với các chương trình, kế hoạch, đề án, thành phố đề cao việc dựa vào dân để bảo tồn di sản, ngành văn hóa và các cấp chính quyền liên tục tổ chức các lớp tập huấn cho đại diện các ban quản lý di tích, tổ chức các hội nghị tuyên truyền tại khu dân cư, tuyên truyền về giá trị di tích thông qua các lễ hội, qua phương tiện thông tin đại chúng… Chương trình số 04 đã khơi đúng mạch nguồn tình yêu di sản sẵn có trong lòng người dân. Nhờ thế, ý thức, nhận thức của người dân đối với các di tích, di sản dần tăng lên.

Chung tay gìn giữ di sản

Trưởng phòng Quản lý Di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh từng chia sẻ: “Với số lượng di tích lớn như Hà Nội, mỗi năm chỉ quét ve lại một lượt các di tích thì thành phố cũng đã tốn một khoản tiền lớn”. Đó là chưa tính đến công tác trùng tu, tôn tạo. Một cây cột gỗ có khi đã tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Không thể dựa vào ngân sách để tu bổ, tôn tạo. Xã hội hóa bảo tồn di tích chính là huy động tiền của, công sức của nhân dân.

Bảo tồn di tích tại bốn quận nội thành cũ luôn gặp nhiều khó khăn nhất. Do lịch sử để lại, nhiều di tích có hàng chục gia đình sinh sống. Các hộ gia đình đều không muốn “sống chung” với di tích, nhưng di dời thì lại gặp khó khăn về kinh phí. Nguồn vốn xã hội hóa đã góp phần giải bài toán khó ấy. Chùa Vĩnh Trù, chùa quán Huyền Thiên hay đình Kim Ngân… vốn "nổi tiếng" bởi là nơi cư trú của hàng chục hộ gia đình. Nhưng bây giờ, đó đều là những điểm đến lý tưởng khó có thể bỏ qua khi thăm phố cổ. Hàng chục tỷ đồng đã được nhân dân đóng góp để hỗ trợ các gia đình tái định cư, tôn tạo di tích. Việc tương tự cũng được thực hiện ở đền Đông Hạ, chùa Liên Phái… thuộc quận Hai Bà Trưng. Quận Hai Bà Trưng hiện giữ kỷ lục về huy động vốn xã hội hóa. Từ năm 2016 đến hết 2018, ngân sách chi hơn 31 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn xã hội hóa thu được đạt hơn 179 tỷ đồng. Tại nhiều huyện ngoại thành, vốn huy động từ nguồn xã hội hóa cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Ba năm qua, các huyện: Thanh Trì và Thường Tín đều thu được gần 12 tỷ đồng vốn xã hội hóa tu bổ di tích (so với tiền ngân sách là khoảng 7,5 tỷ đồng); con số này ở huyện Gia Lâm là gần 57 tỷ đồng, Hoài Đức là hơn 29 tỷ đồng… Trong thời gian kể trên, toàn thành phố đã thu 461 tỷ đồng vốn xã hội hóa được dành cho tu bổ di tích.

Để quản lý số lượng di tích “khổng lồ”, Hà Nội có hàng nghìn ban quản lý di tích, hàng nghìn thủ từ. Thủ từ vừa là bảo vệ, vừa là lao công cả ngày lẫn đêm, vừa là người đại diện cho người dân hương khói, vừa là cầu nối giữa chính quyền với người dân thực hiện công tác bảo tồn. Họ gắn bó với di tích bằng tình yêu với quê hương. Và khi những chủ trương, chính sách ra đời, thì họ gắn bó bằng cả trách nhiệm. Không có những tấm lòng ấy, khó có thể hình dung di tích sẽ ra sao. Đó là tấm gương ông Tạ Văn Nhân, hơn 20 năm tình nguyện “canh gác” Ô Quan Chưởng, đó là cụ Trương Văn Tuân, ngót 30 năm trông nom lăng đá Quận Vân (huyện Thường Tín), đó là cụ Vũ Xuân Tròn, người từng vận động người dân đóng góp tiền của tu bổ hàng loạt di tích như: Đền Kim Khuyết, chùa Hưng Phúc, đình Sở Thượng (quận Hoàng Mai), cũng là người có công khôi phục lễ hội làng Sở Thượng…

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải từng nhấn mạnh, công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản của thành phố nhận được sự đồng thuận, chung tay của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, Thủ đô đã phát huy vai trò là cái nôi của văn hóa, gìn giữ được di sản tiêu biểu bậc nhất của cả nước. Việc lãnh đạo thành phố quan tâm, đánh giá đúng vai trò của cộng đồng đã tạo thêm động lực để người dân chung tay giữ gìn di sản.

(Còn nữa)