Bảo tồn di sản áo dài

Áo dài là di sản văn hóa truyền thống. Nhưng áo dài cần được tiếp tục tôn vinh, để mọi người hiểu và trân trọng hơn giá trị, tiến tới đưa áo dài ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là lý do Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long phối hợp Tạp chí Tinh hoa Đất Việt tổ chức chương trình “Áo dài của chúng ta”. Qua sự kiện này, Ban Tổ chức mong muốn, áo dài cần được cải tiến để thích ứng với cuộc sống đương đại, để hội nhập với thế giới.

Vẻ đẹp của áo dài Việt Nam được giới thiệu trong chương trình “Áo dài của chúng ta”.
Vẻ đẹp của áo dài Việt Nam được giới thiệu trong chương trình “Áo dài của chúng ta”.

Trong không gian rêu phong của Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, những thanh nữ thướt tha trong tà áo dài càng khiến không gian đậm màu hoài cổ. Cuối tuần qua, 15 nhà thiết kế, trong đó có nhiều nhà thiết kế áo dài nổi tiếng của Hà Nội như: Lan Hương, hoa hậu Ngọc Hân, Trịnh Bích Thủy, Chu La, Thanh Thúy, Trần Duy… đã đem đến với công chúng 600 mẫu áo dài khác nhau. Bên cạnh những mẫu áo truyền thống, có không ít mẫu áo dài cách tân, thể hiện phong thái, tư duy của thời đại trong trang phục truyền thống của nước ta. 

Giám đốc Viện Nghiên cứu Văn hóa Thăng Long, Phó Giáo sư Trần Đức Ngôn cho biết: “Chúng ta đã khẳng định vị trí di sản văn hóa của áo dài. Nhưng vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa để hướng tới việc áo dài trở thành một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và xa hơn nữa, đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. Tính dân tộc của áo dài còn thể hiện ở chất liệu. Ở sự kiện “Áo dài của chúng ta”, các nhà thiết kế sử dụng hai chất liệu là vải tơ tằm và vải từ sợi gai - đây đều là những chất liệu mang đậm bản sắc Việt”. 

Khác với những buổi trình diễn, tôn vinh áo dài trước đây, chương trình “Áo dài của chúng ta” đem đến nhiều phong vị mới lạ. Đó chính là câu chuyện “Thế giới trong áo dài Việt”, thể hiện sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ. Nhà thiết kế Ngọc Hân đưa những nét trang trí, những họa tiết hoa văn đậm sắc Ấn Độ vào tà áo dài. Nhà thiết kế Trịnh Bích Thủy lại “kể chuyện” về đất nước của các vị thần Hy Lạp qua chiếc áo dài. Trong khi đó, nhà thiết kế Trần Duy lại khai thác vẻ đẹp tinh tế, nhẹ nhàng của văn hóa Nhật Bản, nhất là các đường nét kiến trúc của xứ sở hoa anh đào để đưa vào áo dài Việt. Nhà thiết kế Thanh Thúy khiến khán giả đam mê cùng vẻ đẹp lãng mạn đến từ nước I-ta-li-a… Nhìn chung, các nhà thiết kế đã dung hòa được vẻ đẹp của tà áo dài Việt với đặc trưng văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhà thiết kế Minh Hạnh cho biết, áo dài là trang phục rất dễ “thích nghi” trong việc lồng ghép các sáng tạo, biến hóa cùng với văn hóa nước ngoài, bao gồm cả nét đẹp của các nước châu Á cũng như các nước châu Âu. Thông qua việc “kể chuyện” văn hóa thế giới với chiếc áo dài, các nhà thiết kế thể hiện mong muốn lan tỏa mạnh mẽ hơn, phổ biến hơn hình ảnh chiếc áo dài trên thế giới.

Có mặt trong buổi trình diễn áo dài, chị Nguyễn Thanh Thủy (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm) cho biết: “Cũng như nhiều phụ nữ Việt Nam, áo dài luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tôi. Song ở chương trình này, tôi có cảm nhận hết sức ấn tượng. Bên cạnh gìn giữ di sản áo dài nói chung, cần có những đổi mới nhất định để phù hợp với cuộc sống, hội nhập quốc tế. Theo tôi, sự kiện này cho thấy các nhà thiết kế đang “tìm đường” để cách tân áo dài sao cho phù hợp”.

Cũng trong sự kiện “Áo dài của chúng ta”, trong không gian Nhà Thái học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, lịch sử của tà áo dài được tái hiện qua triển lãm về áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày đã cho thấy bề dày lịch sử của chiếc áo dài, những biến đổi qua thời gian và quá trình định hình chiếc áo dài thời hiện đại từ những năm 1930 đến nay. Triển lãm một lần nữa khẳng định bản sắc Việt Nam qua chiếc áo dài dân tộc.

Bảo tồn, song song với sáng tạo và tìm các giải pháp để áo dài thích ứng xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, chương trình “Áo dài của chúng ta” cũng có một số sáng tạo được cho là quá “táo bạo” như sử dụng chất liệu vải bò, hay khai thác quá mạnh yếu tố văn hóa nước ngoài, làm giảm đi vẻ đẹp đặc trưng của áo dài Việt Nam. Đây là điều các nhà thiết kế cần rút kinh nghiệm để có những sáng tạo phù hợp với cuộc sống, bảo đảm hội nhập, mà vẫn lưu giữ được vẻ đẹp truyền thống.