Bảo đảm sự đồng thuận của người dân khi sáp nhập thôn, tổ dân phố

Với mục tiêu tinh gọn bộ máy, tạo thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt và giao dịch hành chính, tại kỳ họp thứ 13, HÐND thành phố Hà Nội khóa 15 tiếp tục quyết nghị sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Như vậy, sau kỳ họp thứ 12 và kỳ họp thứ 13, HÐND thành phố đã thông qua việc sáp nhập tổng số 4.274 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.566 thôn, tổ dân phố mới. Hiện nay, thành phố có 5.260 thôn, tổ dân phố, giảm 2.708 thôn, tổ dân phố, tương đương 34% số thôn, tổ dân phố so với trước đây.

Các đại biểu HÐND thành phố biểu quyết thông qua việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện. Ảnh: Duy Linh
Các đại biểu HÐND thành phố biểu quyết thông qua việc sáp nhập, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố thuộc 11 quận, huyện. Ảnh: Duy Linh

Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến hết tháng 11-2019, TP Hà Nội có 7.968 thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 4.115 thôn, tổ dân phố trong diện phải sáp nhập. Sau lần sắp xếp, sáp nhập đợt 1 tại 12 quận, huyện, thị xã theo Nghị quyết số 31/NQ - HÐND ngày 26-12-2019 của HÐND thành phố, đã có 321 thôn, tổ dân phố trong tổng số 348 thôn, tổ dân phố triển khai, đạt 92%.

Ðể tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tại kỳ họp thứ 13, HÐND thành phố đã thông qua tờ trình sáp nhập 4.993 thôn, tổ dân phố thành 2.474 thôn, tổ dân phố; giảm 2.519 thôn, tổ dân phố. Trong đó, quận Ðống Ða giảm nhiều nhất với 529 tổ dân phố, quận Hoàn Kiếm giảm 519 tổ dân phố, tiếp đến là quận Hai Bà Trưng giảm 500 tổ dân phố…

Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Ðức Tuấn cho biết: Hoàn Kiếm hiện có 651 tổ dân phố, trong đó có 600 tổ dân phố quy mô dưới 100 hộ, 51 tổ có quy mô từ 100 đến 200 hộ, không có tổ dân phố nào có hơn 200 hộ. Chính vì vậy, quận đã thiết lập mô hình khu dân cư để liên kết các tổ dân phố. Quận hiện có 132 chi bộ trên địa bàn dân cư, một chi bộ đang lãnh đạo nhiều tổ dân phố. Thực hiện đề án sắp xếp của thành phố, quận xây dựng phương án hợp nhất các tổ dân phố hiện do một chi bộ lãnh đạo thành một tổ dân phố mới. Về cơ bản, người dân trên địa bàn quận đồng tình với phương án sáp nhập, sắp xếp này và mong muốn sẽ được thực hiện đồng bộ.

Là địa bàn tiến hành sáp nhập đợt này, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu đánh giá: Trong quá trình triển khai, lãnh đạo thành phố đã kịp thời lắng nghe, giải quyết các kiến nghị của cơ sở, nhất là việc bổ sung tổ phó tổ dân phố, tạo sự đồng thuận rất lớn của cử tri. Sau sáp nhập, quận Thanh Xuân giảm 101 tổ dân phố, còn 213 tổ. Sắp tới, quận sẽ tiến hành bầu cử và kiện toàn tổ phó tổ dân phố tham gia cấp ủy chi bộ; rà soát các thủ tục hành chính của người dân sau khi sắp xếp, sáp nhập, đổi tên tổ dân phố...

TP Hà Nội hiện có nhiều thôn, tổ dân phố có quy mô nhỏ, phần lớn là chưa đến 200 hộ gia đình. Ðiều này đã làm ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư để thực hiện các công trình văn hóa, khu vui chơi, thể thao. Ðồng thời ảnh hưởng đến công tác sinh hoạt đảng, tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Nội vụ, tổ dân phố mới thành lập ở Hà Nội có 450 hộ dân trở lên, những thôn, tổ dân phố hiện có số hộ gia đình dưới 50% so với quy định thì phải được sáp nhập. Phó trưởng ban Pháp chế HÐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương đánh giá: Việc UBND thành phố trình HÐND thành phố về việc sáp nhập, đặt tên và đổi tên các thôn, tổ dân phố là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn và đúng quy định pháp luật.

Như vậy, sau kỳ họp thứ 12 và kỳ họp thứ 13, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc sáp nhập đối với 4.274 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.566 thôn, tổ dân phố mới; đổi tên 279 thôn, tổ dân phố. Thành phố hiện có 5.260 thôn, tổ dân phố, giảm 2.708 thôn, tổ dân phố, tương đương 34% số thôn, tổ dân phố so với trước đây. Có 23 quận, huyện, thị xã của thành phố đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập. Còn hai quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và năm huyện Hoài Ðức, Thanh Oai, Ðan Phượng, Mỹ Ðức, Ðông Anh không đề nghị thực hiện vì nhiều lý do khác nhau như các thôn, tổ dân phố có vị trí cách biệt hay nằm trong các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang chuẩn bị tiến hành nhiều dự án, dự báo quy mô hộ gia đình sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tại 12 quận, huyện, thị xã đã tiến hành sắp xếp, sáp nhập vừa qua, hiện chưa có phản ánh của tổ chức, công dân về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi các loại giấy tờ và thực hiện giao dịch thủ tục hành chính. Ðể triển khai hiệu quả Nghị quyết HÐND thành phố vừa ban hành, gắn với việc chuẩn bị đại hội đảng bộ cấp cơ sở, trong quá trình triển khai thành phố cần lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền cần bảo đảm quy trình dân chủ, khách quan, tạo sự đồng thuận trong nhân dân; sắp xếp ổn định tổ chức đảng, đoàn thể để phục vụ tốt đại hội đảng bộ các cấp, song song với bảo đảm thủ tục hành chính thuận lợi cho người dân khi giao dịch. Trong đó, sự đồng thuận của người dân là yếu tố quan trọng nhất trong việc thực hiện sáp nhập, đặt, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn.