Thi tuyển công chức, viên chức

Bảo đảm chất lượng, dân chủ, khách quan

Thành phố Hà Nội đang khẩn trương chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức, viên chức giáo dục sau hơn ba năm gián đoạn. Kỳ thi được tổ chức nhằm tuyển chọn những người có năng lực, góp phần bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn.

Thí sinh tham dự kỳ thi trong một đợt thi tuyển công chức tại Hà Nội. Ảnh: MINH CHÂU
Thí sinh tham dự kỳ thi trong một đợt thi tuyển công chức tại Hà Nội. Ảnh: MINH CHÂU

Tuyển dụng gần 13 nghìn lao động

Sau hơn ba năm gián đoạn, việc TP Hà Nội tổ chức thi tuyển gần 13 nghìn công chức và viên chức giáo dục là tin vui với nhiều người lao động. Ngay trong quý II năm nay, thành phố sẽ tổ chức ba đợt thi tuyển quan trọng gồm: thi tuyển công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã; tuyển dụng công chức xã, phường, thị trấn; tuyển dụng viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, THCS công lập. Cụ thể, chỉ tiêu công chức làm việc tại sở, cơ quan ngang sở, UBND quận, huyện, thị xã là 345 người, chỉ tiêu công chức xã, phường, thị trấn là 1.029 người (bao gồm cả lớp công chức nguồn khóa 4 là 264 người). Nhiều nhất là chỉ tiêu viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã với 11.182 người.

Trên thực tế, từ năm 2015 đến nay, TP Hà Nội không tổ chức thi tuyển công chức, cho nên nhiều đơn vị, địa phương thiếu cán bộ. Qua tìm hiểu, tình trạng thiếu biên chế tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đang diễn ra khá phổ biến. Hiện UBND các quận, huyện: Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Ứng Hòa, Thanh Oai đều thiếu hơn mười chỉ tiêu biên chế. Đối với cấp phường, xã, tình hình cũng không khả quan hơn. Thiếu năm biên chế so với quy định, cho nên tại UBND phường Trung Phụng (quận Đống Đa), nhiều cán bộ, công chức của phường phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác. Trưởng phòng Nội vụ quận Hoàng Mai Lê Hồng Kỳ cho biết: Chỉ tiêu biên chế phòng được giao là tám người, nhưng hiện vẫn thiếu ba biên chế, để hoàn tất công việc, nhiều lúc anh em phải động viên nhau làm thêm cả ngoài giờ hành chính.

Thiếu biên chế, cho nên một số đơn vị buộc phải sử dụng nhiều lao động hợp đồng đảm nhiệm công việc chuyên môn của công chức, dù biết sai quy định và đã có những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Trường hợp cán bộ hợp đồng được phân công làm tại bộ phận “một cửa” phường Văn Miếu (quận Đống Đa) gây khó khăn cho công dân khi cấp giấy khai tử năm 2017 là một thí dụ điển hình, khiến dư luận bức xúc. Hay tại phường Mai Động (quận Hoàng Mai) - địa bàn có hơn 40 nghìn người dân sinh sống, công việc nhiều, cho nên phường đành phải cử thêm cán bộ hợp đồng ra tiếp nhận hồ sơ chứng thực tại bộ phận “một cửa”.

Chính vì vậy, đợt thi tuyển công chức đợt này được đông đảo người lao động tại các đơn vị, cơ quan trên địa bàn thành phố trông đợi. Đây được xem là “bài toán” giúp khắc phục được tình trạng sử dụng nhân viên hợp đồng làm việc của công chức, đồng thời bổ sung đội ngũ cán bộ góp phần nâng cao hiệu quả công việc. Theo bà Hoàng Thị Phương Ngọc, Trưởng phòng Nội vụ quận Đống Đa, đợt thi tuyển biên chế là việc cấp thiết giúp các cơ quan, đơn vị của thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Bổ sung điều kiện dự tuyển phù hợp thực tiễn

Đáng chú ý, tại kỳ thi tuyển dụng giáo viên lần này, TP Hà Nội tổ chức tuyển dụng giáo viên theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP với những nội dung và hình thức tuyển dụng mới. Theo đó, thí sinh sẽ thi hai vòng: vòng 1 thi trắc nghiệm môn ngoại ngữ và môn kiến thức chung; vòng 2 thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành. Đây cũng là lần đầu thành phố không quy định đối tượng dự thi phải có hộ khẩu tại TP Hà Nội, cho nên dự kiến sẽ có rất đông thí sinh tại các tỉnh, thành phố trên cả nước dự thi. Đợt tuyển dụng viên chức giáo dục năm nay, trong tổng số 11.182 chỉ tiêu tuyển dụng, có 3.546 giáo viên trung học cơ sở (THCS), 4.171 giáo viên tiểu học, 3.232 giáo viên mầm non. Các chỉ tiêu còn lại để tuyển dụng nhân viên thư viện và nhân viên văn thư các trường THCS và tiểu học.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, hiện các quận, huyện, thị xã đang tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển theo đúng kế hoạch của thành phố, chưa có vướng mắc gì xảy ra. Chỉ riêng tại huyện Sóc Sơn có 256 giáo viên đang hợp đồng tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện có kiến nghị đề xuất, UBND huyện đã giải thích và tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất để báo cáo các cơ quan. Do chưa dự tính được số thí sinh đăng ký dự tuyển, cho nên Sở mới chỉ hướng dẫn các quận, huyện, thị xã tiếp nhận phiếu đăng ký theo quy định, để nắm bắt số lượng, phân loại đối tượng dự tuyển, từ đó có hình thức tuyển dụng hợp lý, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của các quận, huyện, thị xã.

Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của thí sinh, ngày 29-3 vừa qua, Sở Nội vụ Hà Nội đã có công văn hỏa tốc thông báo bổ sung một số nội dung tiếp nhận phiếu đăng ký dự tuyển công chức, viên chức giáo dục 2019, trong đó có những đề xuất có lợi cho thí sinh. Đó là người đăng ký dự thi công chức, viên chức được chọn một trong năm thứ tiếng gồm: tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc để tham gia thi môn ngoại ngữ theo quy định. Thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ mặc dù vào ngày nghỉ (thứ bảy), song thành phố vẫn yêu cầu các đơn vị cử người trực để tiếp nhận hồ sơ, phiếu đăng ký của người dự tuyển vào 17 giờ ngày 13-4-2019.

Các công việc triển khai kỳ thi tuyển công chức, tuyển dụng viên chức giáo dục tại Hà Nội đang được tiến hành gấp rút. Thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quý II năm nay. Để kỳ thi đạt kết quả tốt, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã công khai toàn bộ nội dung, chỉ tiêu, tiêu chuẩn thi tuyển công chức, viên chức trên các phương tiện truyền thông; tổ chức tiếp nhận hồ sơ thi tuyển theo đúng quy trình, chất lượng. Tập trung hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ công tác tổ chức thi, không để xảy ra sai phạm, tiêu cực, bảo đảm kỳ thi dân chủ, khách quan, công khai, đúng quy định.