Băn khoăn về phương án thi vào lớp 10 mới

Việc UBND thành phố Hà Nội phê duyệt phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2019 - 2020 bằng việc tổ chức cho các em học sinh thi bốn bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư, đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Tuy nhiên, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội khẳng định, hình thức thi mới không chỉ giúp giảm bớt tình trạng học sinh học lệch, mà còn bảo đảm không gây quá tải cho học sinh.

Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 trao đổi sau buổi thi môn Toán tại điểm Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN
Thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 trao đổi sau buổi thi môn Toán tại điểm Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: THỦY NGUYÊN

Thi bốn môn theo hình thức tự luận và trắc nghiệm

Ngày 9-10, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) Phạm Quốc Toản cho biết, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5417/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020. Theo đó, đối với lớp 10 THPT không chuyên, các em học sinh sẽ thi bốn bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ tư. Trong đó, bài thi thứ tư được chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Địa lý vào tháng 3-2019. Về hình thức thi, hai môn Ngữ văn và Toán vẫn giữ nguyên hình thức thi tự luận như những năm trước, được nhân hệ số 2. Riêng bài thi Ngoại ngữ, thí sinh tự chọn một trong các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật (thí sinh được phép đăng ký thi thứ ngoại ngữ khác với thứ ngoại ngữ đang học tại trường THCS), thi theo hình thức kết hợp trắc nghiệm khách quan và tự luận. Bài thi của môn thứ tư thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Kỳ thi tuyển sinh năm nay cũng được đẩy sớm lên so với mọi năm. “Chúng tôi dự kiến tổ chức thi sớm, trong ngày 2 và 3-6-2019 để giúp cho các em học sinh sử dụng được ngay những kiến thức, kỹ năng vừa học, tránh để lâu lại quên kiến thức, kỹ năng, phải mất thời gian ôn tập lại. Ngoài ra, để mở rộng tự chủ tuyển sinh, các trường công lập tự chủ tài chính và ngoài công lập vẫn được tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở cấp THCS như năm học 2018 - 2019” - ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh.

Bảo đảm không gây quá tải cho học sinh

Trước phương án thi tuyển vào lớp 10 mới được thành phố quyết định, một số phụ huynh băn khoăn, lo lắng và cho rằng kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019 sẽ căng thẳng không kém so với năm 2018, vì các trường đều đã “vét” hết chỉ tiêu, năng lực đáp ứng nhu cầu học tập tăng đột ngột cho năm học này, trong khi số học sinh tốt nghiệp lớp 12 năm tới lại ít hơn số học sinh thi đầu vào. Điều đó dẫn đến chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm tới khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu học sinh. Mặt khác, việc tăng số môn thi từ hai môn lên bốn môn, khiến phụ huynh và giáo viên đều lo lắng, nhất là môn thi thứ tư chỉ được công bố trong tháng 3 năm sau, trước thời điểm thi hơn hai tháng, sẽ gây khó khăn cho học sinh.

Trước băn khoăn này, ông Phạm Quốc Toản giải thích, chương trình giáo dục THCS hiện nay đòi hỏi học sinh phải học đủ các môn học Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ và một số môn khác như Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học. Học sinh phải dự thi bốn môn trong số 14 môn học, như vậy không phải thi quá nhiều môn, không quá tải.

Đánh giá về phương án này, ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội đưa Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc là hợp lý, bởi đây là môn học cần được đẩy mạnh, đầu tư nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông Bình đề xuất Sở GD-ĐT Hà Nội nên công bố sớm môn thi thứ tư để nhà trường chuẩn bị, tiến hành việc kiểm tra đánh giá sao cho sát với yêu cầu.

Giải thích thêm về mức độ khó, dễ của bài thi, ông Phạm Quốc Toản cho biết, các câu hỏi trong nội dung đề thi môn Ngoại ngữ và môn thứ tư thuộc chương trình THCS, chủ yếu là ở lớp 9, hầu hết ở cấp độ nhận biết, thông hiểu theo đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng bộ môn do Bộ GD-ĐT quy định. Độ khó của bài thi chỉ tương đương như bài kiểm tra 45 phút hoặc thi học kỳ trên lớp của học sinh, đó là những nội dung học sinh được kiểm tra diễn ra hằng ngày, rất quen thuộc, không hề dàn trải, không gây áp lực cho học sinh.