Băn khoăn về hoạt động trải nghiệm cho học sinh

Theo Dự thảo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) công bố, hoạt động giáo dục trải nghiệm sẽ được đưa vào chương trình giáo dục bắt buộc cho học sinh (HS) từ lớp 1 đến lớp 12. Hầu hết cán bộ, giáo viên và phụ huynh HS các trường học tại Hà Nội đều đồng tình với nội dung này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn, cần được làm rõ.

Học sinh tham quan ngoại khóa tại một khu du lịch sinh thái. Ảnh: THU HÀ
Học sinh tham quan ngoại khóa tại một khu du lịch sinh thái. Ảnh: THU HÀ

Chị Nguyễn Thu Hồng, phụ huynh HS Trường THCS Ðống Ða (quận Ðống Ða) cho biết, hiện nay, trường tổ chức cho HS đi tham quan, dã ngoại hai lần/năm, kinh phí đều do phụ huynh đóng góp trên tinh thần tự nguyện. “Sắp tới, khi nội dung này được đưa vào chương trình bắt buộc, thời lượng triển khai thường xuyên hơn, chúng tôi có phải tiếp tục đóng góp kinh phí hay không? Liệu có xảy ra tình trạng các trường lạm dụng việc này để thu nhiều, thu sai không?” - chị Hồng đặt câu hỏi. Ðồng quan điểm này, anh Phạm Anh Tú, ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhất là những chuyến dã ngoại của HS mới dừng ở việc khuyến khích phụ huynh động viên con tham gia, nếu không cho con tham gia cũng không sao. Tới đây, khi hoạt động trải nghiệm là bắt buộc, các trường phải được trang bị những điều kiện tối thiểu để triển khai, trong đó cần có nguồn kinh phí. “Ban phụ huynh không thể trông chờ vào sự đóng góp của phụ huynh, bởi nguồn kinh phí này sẽ không ổn định, như thế vô hình trung sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động. Theo tôi, Bộ GD-ÐT cần có quy định rõ ràng hơn" - anh Tú đề xuất.

Lãnh đạo một trường tiểu học trên địa bàn quận Ðống Ða cho rằng, trong dự thảo của Bộ GD-ÐT mới chỉ nhắc đến hoạt động trải nghiệm như một nội dung giáo dục bắt buộc mà chưa đề cập các vấn đề liên quan, điều kiện cụ thể khi triển khai như: thời gian, địa điểm tổ chức, kinh phí... “Chúng tôi mong Bộ GD-ÐT sớm có những quy định, hướng dẫn cụ thể để có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai, đồng thời thông tin tới phụ huynh HS" - vị lãnh đạo này kiến nghị.

Theo dự thảo, hoạt động trải nghiệm gồm bốn nội dung cơ bản: Hoạt động phát triển cá nhân, hoạt động lao động, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động giáo dục hướng nghiệp. Ðây là những nội dung quen thuộc với HS như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động câu lạc bộ..., song nay được sắp xếp theo chủ đề, tích hợp và có thêm yêu cầu mới. Tùy theo lứa tuổi, yêu cầu giáo dục, nội dung ở từng cấp học được thiết kế khác nhau. Nếu như ở tiểu học, chương trình hoạt động trải nghiệm tập trung vào phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy, cô giáo và người thân; thì ở cấp THCS sẽ dành nhiều thời lượng cho hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng; cấp THPT tập trung vào giáo dục hướng nghiệp…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại: Hoạt động trải nghiệm liệu có giải quyết được hạn chế của giáo dục hướng nghiệp vốn bị coi là hình thức từ lâu nay? Giải đáp băn khoăn này, Tổng Chủ biên Chương trình hoạt động trải nghiệm Chương trình Giáo dục phổ thông mới, PGS,TS Ðinh Thị Kim Thoa khẳng định, từ cấp THCS đến cấp THPT, hoạt động trải nghiệm có tích hợp nội dung hướng nghiệp nhằm cung cấp, hình thành cho HS những kiến thức, kỹ năng cơ bản về định hướng chọn nghề. Ðể khắc phục hạn chế trong giáo dục hướng nghiệp, chương trình sẽ nêu ra yêu cầu cụ thể của từng ngành, nghề, giúp HS nhận thức được mức độ đáp ứng của bản thân, từ đó có lựa chọn phù hợp. “Thông qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp và các hoạt động định hướng nghề nghiệp, HS được đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan nghề nghiệp; có thể tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp; được rèn luyện phẩm chất và năng lực để thích ứng nghề nghiệp trong tương lai” - PGS, TS Ðinh Thị Kim Thoa nhấn mạnh.