Ðẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt

Thời gian qua, khi đi mua sắm ở siêu thị, trung tâm thương mại, nhiều người dân không còn cần cầm theo tiền mặt... Ði ta-xi, xe ôm, hay gọi đồ ăn về nhà... cũng chỉ cần cài ứng dụng trên điện thoại là có thể thanh toán được. Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã lan tỏa mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân, đồng thời, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội phát triển nhanh chóng.

Người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán khi mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Minh Hà
Người tiêu dùng sử dụng thẻ thanh toán khi mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Minh Hà

Gần ba năm trở lại đây, chị Dương Minh Trang (ở phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm) không còn phải thu xếp thời gian có mặt ở nhà vào những ngày cuối tuần để đóng tiền cho nhân viên thu tiền điện. Bằng việc đăng ký dịch vụ trích nợ tự động qua tài khoản ngân hàng, hằng tháng, công ty điện lực nhắn tin thông báo lượng điện tiêu thụ để chị biết, rồi tự động phía ngân hàng sẽ trích từ tài khoản của chị trả cho công ty điện lực, chị gần như không cần thêm một thao tác nào. Chị Trang chia sẻ: "Do công việc bận rộn, lịch trình thay đổi liên tục, trước đây, tôi nhiều lần "lỡ hẹn" với nhân viên thu tiền, gia đình bị "cắt" điện, "cắt" nước... do nộp tiền muộn. Từ ngày có hình thức thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông..., tôi thấy thuận tiện, tiết kiệm thời gian rất nhiều".

Ðại diện Tổng công ty Ðiện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết, đơn vị đã phối hợp 18 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán để cung cấp các kênh thanh toán tiền điện đa dạng, thuận tiện, không cần dùng đến tiền mặt như ủy nhiệm chi, trích nợ tự động, thanh toán qua các máy POS, ATM, internet banking, ví điện tử... Riêng với các khách hàng thanh toán tiền điện bằng vốn ngân sách, đến nay đã có tới 98,39% số khách hàng không dùng tiền mặt để thanh toán tiền điện.

Thời gian qua, liên ngành Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội, Sở Công thương, Sở Tài chính và một số sở, ngành liên quan của thành phố, đã tích cực phối hợp triển khai thực hiện Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tập trung vào công tác phối hợp thu thuế điện tử, hải quan, điện, nước, trường học, bệnh viện, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội... qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Các đơn vị còn triển khai các giải pháp thanh toán điện tử hiện đại như ví điện tử, hệ thống chuyển mạch thẻ cho phép chủ thẻ của một ngân hàng có thể thanh toán tại hầu hết ATM/POS của các ngân hàng khác, thanh toán thông qua thẻ tín dụng hoặc ghi nợ quốc tế (như thẻ Visa, Master, American Express, JBC...), thanh toán qua internet banking, mobile banking, thanh toán qua chuyển khoản, qua mã QRPAY... nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, khuyến khích mở rộng giao dịch với ngân hàng, giảm lượng tiền mặt trong lưu thông. Ðến đầu năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có tổng số 2.780 máy giao dịch tự động ATM, hơn 92 nghìn máy chấp nhận thẻ thanh toán POS được lắp đặt tại các địa điểm trên địa bàn.

Riêng trong lĩnh vực thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, đơn vị đã thực hiện khai thuế, nộp thuế điện tử giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Ðến nay, trên địa bàn Hà Nội đã có 155.912 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế điện tử với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 98,5% số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn (chiếm 20,5% tổng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử của cả nước). Có 651.678 giao dịch nộp thuế điện tử với tổng số tiền thuế là 173.395 tỷ đồng.

Trong việc mua sắm, tiêu dùng hằng ngày, các đơn vị đã mở rộng mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS), thanh toán mã QR-Pay tại các siêu thị, trung tâm thương mại, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen sang thanh toán không dùng tiền mặt. Các trung tâm thương mại, siêu thị rất tích cực trong việc ứng dụng công nghệ để gia tăng sự tương tác và trải nghiệm của khách hàng tại các không gian mua sắm. Hầu hết các quầy thanh toán tại siêu thị Aeon Long Biên đều chấp nhận thanh toán bằng thẻ qua máy POS. Mới đây, đơn vị này còn triển khai thêm việc thanh toán bằng mã hình QR-Pay. Khách hàng chỉ cần mở các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử trên điện thoại thông minh của mình, sử dụng việc quét mã QR là có thể thanh toán nhanh chóng. Ðể khuyến khích người tiêu dùng, siêu thị này còn triển khai việc tặng mã giảm giá 5% (tối đa 100 nghìn đồng) cho mỗi lần thanh toán bằng QR-Pay. Hệ thống siêu thị Vinmart cũng triển khai ví điện tử VinID Pay để khách hàng có thể mua sắm online, thanh toán trực tiếp một cách thuận tiện…

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu 75% số người sử dụng in-tơ-nét tham gia mua sắm trực tuyến. 90% cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và 25% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán hàng hóa, dịch vụ. Ðồng thời, đẩy mạnh sử dụng các phương tiện, hình thức, công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại cơ sở phân phối, bán lẻ hiện đại, cửa hàng xăng dầu, đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ viễn thông và trong mua sắm trực tuyến trên địa bàn. Mới đây nhất, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận chủ trương tổ chức sự kiện "Ngày không dùng tiền mặt Hà Nội 2020", dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 8, nhằm kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp và cơ quan liên quan về thanh toán không dùng tiền mặt. Ðồng thời thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; tạo thuận lợi trong kinh doanh gắn với chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế.