Ðầu tư xây dựng mô hình lớp học thông minh

Đây là một trong những mục tiêu khi triển khai chuyển đổi số và xây dựng ngành giáo dục thông minh của Hà Nội vừa được công bố tại Ngày hội Công nghệ thông tin ngành Giáo dục thủ đô vừa diễn ra vào ngày 14 và 15-4.

Ngày hội công nghệ thông tin lần thứ 5 của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội thu hút hơn 2.000 sản phẩm của học sinh, giáo viên các trường dự thi.
Ngày hội công nghệ thông tin lần thứ 5 của ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội thu hút hơn 2.000 sản phẩm của học sinh, giáo viên các trường dự thi.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, Ngày hội công nghệ thông tin (CNTT) lần thứ năm được tổ chức với định hướng triển khai chuyển đổi số trong ngành giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm nâng cao nhận thức, phát huy năng lực ứng dụng CNTT trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Một trong những ứng dụng CNTT được Hà Nội triển khai sớm nhất cả nước là áp dụng hệ thống hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6. Phụ huynh học sinh chỉ cần truy cập in-tơ-nét để đăng ký tuyển sinh thay vì phải trực tiếp đến trường. Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT 2020, học sinh Hà Nội đã được tra cứu điểm miễn phí và đăng ký xác nhận trúng tuyển, đăng ký xác nhận nhập học bằng hình thức trực tuyến.

Nhằm giúp phụ huynh và học sinh cách tiếp cận tri thức mới trong thời đại công nghệ số, từ năm học 2018 - 2019, Sở GD và ÐT đã xây dựng hệ thống học và luyện thi trắc nghiệm phục vụ ôn thi vào lớp 10 THPT môn Lịch sử trên địa bàn thành phố. Năm học 2019 - 2020, hệ thống ôn tập trực tuyến Hà Nội Study được mở rộng với lớp 8, 9 và 11, 12. Ðáng chú ý, trong thời gian đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Sở GD và ÐT đã phối hợp Bộ GD và ÐT triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, học tập qua in-tơ-nét giúp việc ôn luyện kiến thức cho học sinh một cách chủ động, tự giác. Trên cơ sở đó, Hà Nội đã khảo sát chất lượng cho 74 nghìn học sinh lớp 12 và 104 nghìn học sinh lớp 9 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study.

Chia sẻ thực tế ứng dụng CNTT trong dạy và học của nhà trường, thầy giáo Vũ Thìn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ða Phúc (huyện Sóc Sơn) cho biết, trong thời gian diễn ra giãn cách xã hội do dịch Covid-19, học sinh phải ngừng đến trường, nhưng các lớp học vẫn sáng đèn, hoạt động như bình thường, bởi thầy, cô giáo vẫn hằng ngày lên lớp giảng bài qua in-tơ-nét. Ðể thực hiện tốt yêu cầu tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học, giáo viên Trường THPT Ða Phúc đã triển khai dạy học trực tuyến với sự đầu tư bài bản cả về trang, thiết bị lẫn chuyên môn. Thầy Vũ Thìn cho biết, để làm được việc này là không đơn giản vì đòi hỏi cả một quá trình đầu tư nhiều mặt, thay đổi về quan điểm, phương pháp dạy và học. Trường đã đưa hoạt động CNTT vào kế hoạch năm học và coi đây là hoạt động trọng tâm, đưa vào đánh giá hằng tháng. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT cho cán bộ giáo viên, cập nhật phần mềm, công nghệ mới, vận dụng tối đa trong giảng dạy, quản lý, đầu tư trang thiết bị, xây dựng mua phần mềm hữu ích trong giảng dạy…

Trưởng phòng GD và ÐT quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu chia sẻ, với quan điểm CNTT luôn phải đi trước trong việc hiện đại hóa giáo dục, quận đã kết hợp CNTT trong giảng dạy, học tập, xây dựng giáo dục số trong thời đại 4.0. "Chúng tôi đã tham mưu UBND quận đầu tư, mua sắm đầy đủ trang, thiết bị dạy học đồng bộ, chuẩn hóa, hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy học. Hiện tất cả các lớp học trên địa bàn quận đều được trang bị máy tính, máy chiếu, TV thông minh, đường truyền tốc độ cao. Phòng cũng thường xuyên tập huấn giáo viên việc sử dụng, khai thác, bảo quản trang thiết bị thông minh, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đổi mới giáo dục theo hướng giảm thuyết trình, tăng khả năng tự học" - ông Phạm Gia Hữu cho biết.

Trong xu thế cạnh tranh thời đại 4.0, ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, ngành giáo dục Hà Nội vẫn còn một số hạn chế mà đáng chú ý là sự chênh lệch về trình độ sử dụng CNTT của giáo viên và của cán bộ quản lý. Nhận thức của một số đơn vị, cá nhân chưa đồng bộ, dẫn tới hiệu quả triển khai chưa hiệu quả ở những cơ sở này. Nhiều giáo viên ngại thay đổi, chưa tiếp cận đầy đủ về xu hướng giáo dục thông minh… Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang, thiết bị CNTT ở nhiều nơi còn thiếu đồng bộ. Việc bảo đảm an ninh, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được chú trọng.

Tuy nhiên, ngành giáo dục Hà Nội cũng xây dựng nhiều giải pháp về nhân sự, quản lý, đầu tư trang, thiết bị để không bỏ lỡ cơ hội. Trước mắt, về cơ sở vật chất, Hà Nội sẽ xây dựng lộ trình đầu tư để mỗi trường có ít nhất một lớp học thông minh với trang, thiết bị, nội thất đồng bộ với đầy đủ các công nghệ hiện đại để làm cơ sở mở rộng trong quy mô trường, tiến tới xây dựng trường học thông minh toàn diện.

Thế Hải