Ðầu tư hạ tầng giao thông kết nối trung tâm Hà Nội với năm đô thị vệ tinh

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố đã đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách để xây mới, nâng cấp các tuyến đường, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông ngoại thành và hỗ trợ các địa phương khu vực ngoại thành đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông bình quân khoảng 2.500 tỷ đồng/năm (chiếm khoảng 35% tổng kinh phí).

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Hà Nội đã đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trung tâm với các khu đô thị vệ tinh. Ảnh: ÐĂNG ANH
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, thành phố Hà Nội đã đầu tư hạ tầng giao thông kết nối trung tâm với các khu đô thị vệ tinh. Ảnh: ÐĂNG ANH

Bên cạnh sự hỗ trợ đầu tư từ thành phố, các huyện, thị xã đã  kêu gọi xã hội hóa, huy động nguồn vốn từ đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư cho giao thông, xây dựng nông thôn mới.

Ðể phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, trong 5 năm tới, ngành giao thông vận tải Thủ đô tiếp tục thực hiện đồng bộ sáu nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm: Ðầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông  theo quy hoạch; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Ngành giao thông vận tải tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với năm đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, địa phương thuộc vùng Thủ đô; đầu tư các nút giao thông trọng điểm giao cắt giữa đường hướng tâm và đường vành đai, các nút giao thông trọng yếu, các tuyến đường trục chính đô thị, liên khu vực, có tính kết nối; hoàn thành đầu tư đồng bộ mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của năm huyện sẽ phát triển thành quận, từng bước hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối cho các địa phương còn khó khăn về giao thông; Tập trung đầu tư từng bước hoàn thiện mạng lưới bến xe khách liên tỉnh khu vực vành đai 4 theo quy hoạch; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Ðông) và tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội), đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn tiếp theo.

 Ðể huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án, thành phố sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, đồng thời, phát triển hợp lý các phương thức vận tải bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế. Phân công trách nhiệm đầu tư và phối hợp đồng bộ tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông giữa Hà Nội với cơ quan Trung ương, cũng như các tỉnh lân cận theo hướng: Bộ Giao thông vận tải đầu tư và quản lý, đầu tư các tuyến đường có tính chất giao thông liên vùng (như vành đai 4, vành đai 5, các tuyến cao tốc, đường sắt quốc gia, đường sắt liên kết vùng); Hà Nội và các tỉnh lân cận đầu tư các công trình thuộc địa bàn quản lý, trong đó, Hà Nội ưu tiên các tuyến đường kết nối giao thông giữa Thủ đô với các tỉnh lân cận.

 Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của thành phố về phân công, phân cấp quản lý, đầu tư trên địa bàn, cũng như cơ chế, chính sách trong quản lý sử dụng nguồn vốn trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Rà soát các quỹ nhà, đất sau khi sắp xếp lại trụ sở các cơ quan, đơn vị và các quỹ đất trước đây dự kiến bố trí làm đất đối ứng triển khai cho các dự án đầu tư theo hình thức BT để chủ động triển khai lập quy hoạch tổ chức đấu giá tạo nguồn thu theo đúng quy định; phát huy, tận dụng tối đa nội lực của các địa phương thông qua việc giao cho các địa phương (quận, huyện, thị xã) chủ động xây dựng phương án và tổ chức đấu giá đất hai bên các tuyến đường mở mới để tái đầu tư cho địa phương... Tiếp tục hoàn thiện các quy định, thủ tục, cơ chế chính sách để tăng cường công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất đấu giá tạo nguồn thu cũng như tạo mặt bằng phục vụ thi công các công trình; bố trí, giao vốn và thanh toán linh hoạt đối với chi phí giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.