Thăng trầm the lụa làng La

Làng La Khê từ xa xưa đã nổi tiếng là vùng đất tằm tơ, dệt lụa. Làng được hình thành từ thế kỷ thứ 5, lúc đầu có tên là La Ninh, "La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền. Ðất làng do phù sa sông Hồng, sông Ðáy, sông Nhuệ bồi đắp nên, vì vậy rất màu mỡ, thích hợp cho nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ. Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi thành La Khê (làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Nhưng các sản phẩm dệt của làng vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi, phục vụ cư dân chốn kinh kỳ Thăng Long xưa. Ðến đầu thế kỷ 17, người Hán ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, có mười gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng. Thời đó, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi. Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo. So với sồi, đũi, loại hàng the, sa mỏng, nhẹ hơn, nhưng lại rất bền và đẹp, được lựa chọn để may trang phục cho các tầng lớp quý tộc trong xã hội phong kiến xưa...

 Năm 1823, triều đình nhà Nguyễn cho phép lập La Khê thành một xưởng dệt cho kinh thành Huế, cả làng được miễn đi lính để phục vụ cho việc phát triển nghề. Chợ Cầu Ðơ, một tháng sáu phiên là nơi người dân trong làng bán buôn, để từ đó thứ sản phẩm cao cấp này đi khắp dọc dài đất nước. Nghề dệt the ở La Khê phát triển mạnh, không những cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang châu Âu. Vào đầu thế kỷ 20, các nghệ nhân làng nghề còn được phong cửu phẩm, bá hộ và the làng La được mang triển lãm ở Pa-ri...

Sau năm 1954, để dồn sức cho công cuộc cải tạo, xây dựng XHCN và chi viện cho chiến trường miền nam, nghề dệt the tạm lắng, cả làng La Khê quay sang dệt vải bông, khăn mặt, thảm đay... phục vụ sinh hoạt trong thời chiến. Ðất nước thống nhất, nhưng trước nhịp sống hiện đại, đòi hỏi sự tiện lợi thì các loại trang phục cũng thay đổi cho thích ứng, nghề dệt the của làng mai một dần, tưởng chừng như rơi vào quên lãng...

Cho đến năm 2002, nhờ có chính sách của Nhà nước khuyến khích khôi phục làng nghề truyền thống, cùng với quyết tâm phục hồi nghề Tổ, Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp La Khê đã tìm cách khôi phục nghề dệt the truyền thống. Cái khó lúc này là phần lớn người dân La Khê, qua mấy thế hệ không làm nghề, quên hết cách dệt the, khung dệt đã phá hết rồi, làm sao phục dựng lại được.Việc phục dựng nghề trông cậy phần lớn các nghệ nhân lúc này đều đã trên dưới tuổi  "thất thập" trong làng, tâm huyết với nghề, quyết truyền nghề truyền thống cho lớp con cháu. Các cụ Nguyễn Công Toàn, Nguyễn Học Biểu... nhớ lại từng chi tiết cấu tạo khung cửi, rồi phục chế khung dệt, trên tinh thần vừa thừa kế, vừa cải tiến để trở thành cỗ máy vừa dễ vận hành, vừa cho năng suất cao. Sau khi lắp đặt thành công và sản xuất được những tấm the đạt chất lượng tốt, HTX đã đầu tư hơn 200 triệu đồng, lắp đặt 11 máy dệt và mở lớp dạy nghề cho lao động trong làng. Nghệ nhân Nguyễn Công Toàn - người từng là chủ nhiệm HTX thủ công phụ trách 200 khung dệt của làng từ năm 1960, trực tiếp đào tạo cách dệt the cho gần 30 thanh niên trong làng. Những người thợ trẻ từ chỗ chưa bao giờ sờ tay vào khung dệt, sau vài tháng được  các nghệ nhân chỉ bảo, truyền nghề, đã biết dệt thành thạo các mẫu hoa văn.

Trong lớp hậu duệ ở La Khê, đã có những người thợ trẻ yêu nghề như anh Lê Ðăng Toản, người dường như có "duyên" với the La Khê đã tiếp thu rất nhanh kỹ thuật dệt the. Từ chỗ chỉ vì tò mò mà học, giờ đây anh Toản đã sẵn sàng "sống chết" với nghề. Từng công đoạn của nghề từ go sợi, lên máy, dựng máy đến thăm go, sô nan và đục bìa (vẽ hoa để dệt) ở từng mẫu hàng như: the, sa, vân, xuyến, băng, là... được anh Toản thuộc làu làu. Anh Toản cho biết: "Vẽ hoa để dệt được coi là một trong những công đoạn khó nhất của nghề bởi không chỉ như vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu để dệt phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối, lúc dệt lên tấm the không bị xô, bị dạt". Nghề dệt the nhiều công phu, có mẫu hàng dệt tới nửa năm, nhanh nhất cũng phải hai tháng. Ðiển hình như mẫu áo Thủy Ba do một Việt kiều tại Mỹ đặt làm phải mất bốn tháng đục bìa dệt và hai tháng dâng máy cho một tấm the dài 2,5 m. Những người thợ dệt the La Khê phải vào tận cố đô Huế xem các mẫu dệt để về khôi phục lại. Công sức không phụ lòng người, đến nay, những người thợ dệt the La Khê đã  sáng tạo ra hơn 20 mẫu hoa văn để dệt thành những tấm vải the hoa, trong đó có không ít những mẫu hoa văn cầu kỳ, với họa tiết cách điệu những hình tượng văn hóa dân gian như "tứ linh" (long, ly, quy, phượng), "tứ quý" (tùng, cúc, trúc, mai) hay hình song hạc, mây trời, hoa sen, chữ thọ... Năm 2007, sản phẩm the La Khê được trao Cúp vàng thương hiệu Việt tại Triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Ðây là một sự ghi nhận sự hồi sinh của làng nghề truyền thống.

Dù nghề dệt the cổ truyền của La Khê đã hồi phục, nhưng để nghề dệt the phát triển, tiếp cận được thị trường, vẫn là bài toán khó mà chính quyền phường, Ban chủ nhiệm HTX dệt La Khê "loay hoay" bao lâu nay mà vẫn chưa tìm được giải pháp. Hiện tại the La  Khê đang rất "bí" thị trường "đầu ra". Phó Chủ nhiệm HTX dệt La Khê Bạch Hồng Ân cho biết: Hằng năm, HTX ký hợp đồng với Ban tổ chức các lễ hội sản xuất hơn 1.000 m vải cao cấp để may các bộ lễ phục và khoảng từ 5.000 đến 7.000 m vải để may quần áo thường ngày.

Mặc dù sản phẩm the lụa có nhiều ưu điểm như mềm mại, thoáng mát, điều hòa thân nhiệt tốt, không bị nhăn, bị xô, rạn, nhưng rõ ràng chưa cạnh tranh được với các sản phẩm sợi tổng hợp, may công nghiệp. The lụa La Khê được sản xuất từ sợi tơ tằm chất lượng cao, dệt thủ công, cho nên giá thành tương đối cao. Trung bình một mét sản phẩm có giá 90 nghìn đồng. Một chiếc áo sơ-mi có giá từ 200 nghìn đến 300 nghìn đồng, khá cao so với sản phẩm may công nghiệp. Các thành viên trong Ban chủ nhiệm HTX đã từng nhiều lần chào hàng, đưa sản phẩm ký gửi tại các cửa hàng tơ lụa thời trang trên tuyến phố Hàng Gai, Hàng Bông, nhưng sản phẩm tiêu thụ chậm. Thị trường đầu ra chưa ổn định, tác động ngược lại sản xuất, khiến sản xuất cầm chừng. Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của HTX dệt La Khê nằm ngay bên cạnh Khu di tích lịch sử Bia Bà, rất thưa vắng khách xem và mua hàng. Nhân viên bán hàng cho biết: Ngày rằm, mồng một, khách đi lễ đông, cửa hàng bán được vài chiếc áo, nhưng ngày thường chỉ bán được một, hai sản phẩm. Mỗi lần đến thăm khu xưởng dệt rộng hơn 300 m2 với hơn chục máy dệt, chỉ bắt gặp một, hai khung dệt hoạt động. Hoạt động cầm chừng, sản phẩm không bán được đại trà, thu nhập của công nhân dệt khá khiêm tốn, chỉ dưới 1 triệu đồng/tháng. Bởi vậy, cho dù rất tự hào về nghề cổ truyền và mong ước nghề được khôi phục, phát triển nhưng những người thợ ở đây vẫn chưa thể mặn mà với khung dệt. Trước nhu cầu cuộc sống, họ đành phải bươn chải với nhiều nghề khác để có thu nhập cao hơn... Hơn 20 thợ dệt trẻ được các nghệ nhân truyền nghề, nay chỉ còn khoảng mười người làm việc ở HTX. Nhiều lần HTX thông báo tuyển công nhân nhưng chẳng nhận được thông tin hồi âm từ người dân. Bà Ân cho biết: Có những hợp đồng lớn đặt chúng tôi làm ba, bốn nghìn mét vải trong thời gian ngắn mà HTX không dám nhận vì biết không thể hoàn thành hợp đồng.

GIỮ gìn và phục hồi những nghề thủ công truyền thống như nghề dệt the lụa ở La Khê là những việc làm rất đáng trân trọng. Càng có giá trị hơn trong thời điểm cả nước đang hướng tới Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Những người tâm huyết với nghề dệt the lụa ở La Khê rất mong muốn được sự quan tâm, hỗ trợ từ nhiều phía của các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế về xây dựng chiến lược tiếp thị sản phẩm, tiếp cận thị trường, hợp tác đầu tư mở rộng sản xuất... để nghề dệt the lụa phát triển mạnh hơn, được cả thị trường trong và ngoài nước ghi nhận.

            Việt Anh