Chương trình 06-CTr/TU

Phát triển văn hóa - xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Xây dựng văn hóa, con người luôn là một trong những ưu tiên của Hà Nội. Trong nhiệm kỳ này, Thành ủy ban hành Chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”

Di sản văn hóa Hà Nội được bảo tồn, phát huy. (Trong ảnh: Lễ hội đền Sóc)
Di sản văn hóa Hà Nội được bảo tồn, phát huy. (Trong ảnh: Lễ hội đền Sóc)

Chương trình 06 đề ra mục tiêu phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến; thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo. Đưa văn hóa trở thành giá trị tinh thần to lớn, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh thiếu niên. Sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, lấy “chân-thiện-mỹ” làm mục tiêu của các hoạt động văn hoá nghệ thuật. Xây dựng và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025, từ 86 đến 88% số hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa; tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu Làng văn hóa đạt 65%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt 75%; 100% thôn, làng có nhà văn hóa. Trong giai đoạn 2021-2025, có thêm 15 di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; ba di tích Quốc gia đặc biệt.

Về thể thao quần chúng, tỷ lệ số người dân tham gia tập luyện TDTT thường xuyên đạt 42,5% trở lên; phấn đấu đóng góp tối thiểu 30% lực lượng huấn luyện viên, vận động viên và thành tích huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ thi đấu khu vực (SEA Games, ASIAD…). Về du dịch, phấn đấu đón từ 35 đến 39 triệu lượt khách, trong đó có từ 8 đến 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Về giáo dục và đào tạo, phấn đấu đạt từ 80 đến 85% số trường học công lập  đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 75 đến 80%; mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230 nghìn lượt người.

Để đạt được mục tiêu này, Thành ủy đề ra các giải pháp cho từng nhóm vấn đề.

Đối với xây dựng, phát triển văn hóa, bảo tồn di sản, thành phố đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” mà trọng tâm là cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng của hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn; xây dựng các thiết chế văn hóa này thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn. Chú trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy cơ quan Nhà nước; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Chú trọng quan tâm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ… Triển khai số hóa tư liệu di sản. Triển khai thực hiện các nội dung gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” theo tiêu chí, lộ trình đã cam kết với UNESCO. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động sáng tạo, thu hút đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng và phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa.

Đối với phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội, trọng tâm là các giá trị di sản và giá trị văn hóa tiêu biểu; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn; nâng cao chất lượng các khu, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ, phố cổ… Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển du lịch chất lượng cao.

Đối với phát triển thông tin, truyền thông, hoàn thành sắp xếp và quản lý báo chí thành phố Hà Nội. Tăng cường các hoạt động phát triển văn hoá đọc, xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đối với phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao, đẩy mạnh phát triển thể dục, thể thao quần chúng. Củng cố vững chắc vị trí nằm trong tốp dẫn đầu cả nước về thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và phát triển mạnh mẽ thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao theo hướng tiên tiến, hiện đại, hội nhập quốc tế. Xây dựng Đề án phát huy hiệu quả sử dụng thiết chế thể thao cơ sở; đẩy mạnh liên kết hợp tác với các doanh nghiệp tài trợ trong việc phát triển các môn thể thao trọng điểm và tổ chức các giải thi đấu thể thao. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội để trở thành trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao của cả nước và khu vực.

Đối với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung phát triển hệ thống trường học chất lượng cao, trường học thông minh; khuyến khích mô hình trường học liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, tiên tiến và từng bước hiện đại.  Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo; xây dựng đề án nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục phổ thông; nghiên cứu các trò chơi dân gian để đưa vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh phổ thông.  

Xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Phát triển thị trường lao động đồng bộ, thống nhất, hướng đến việc làm bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm và các điểm giao dịch việc làm vệ tinh. Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh hướng nghiệp giáo dục phổ thông. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Đối với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thành phố tiếp tục kiên trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, hình thành hệ giá trị văn hóa phù hợp với xu thế thời đại gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội. Nâng cao chất lượng các mô hình văn hoá, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong việc thực hiện hai quy tắc ứng xử.