Xót xa biệt thự bỏ hoang

Biệt thự, nhà liền kề xây dựng xong bị bỏ hoang là tình trạng xảy ra nhiều năm nay ở các dự án khu đô thị, nhà ở thấp tầng tại Hà Nội. Không chỉ lãng phí tài nguyên đất, các khu nhà ở bị bỏ hoang còn gây lãng phí về tiền bạc của người dân, xã hội, làm mất mỹ quan đô thị và an ninh trật tự.

Đầu tháng 8-2019, hoàn lưu của cơn bão số 3 gây mưa ở Hà Nội khiến khu đô thị Geleximco (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) ngập trong “biển” nước. Việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, trong khi tầng hầm các căn nhà liền kề của người dân ở khu đô thị này cũng bị nước tràn vào ngập sâu, phải dùng máy bơm nước ra ngoài. Hạ tầng kỹ thuật đầu tư xây dựng không đồng bộ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này và cũng là một trong những lý do khiến khu đô thị còn rất nhiều biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang do không có người mua.

Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) hoàn thành xây thô từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn có hơn chục dãy biệt thự, nhà liền kề bị bỏ hoang. Lác đác chỉ có vài ngôi nhà được hoàn thiện; các nhà còn lại mới được hoàn chỉnh phần thô, không ít trong số đó bị cây leo phủ kín cổng, cỏ dại mọc um tùm. Tương tự, dự án từng được ví như “thiên đường” khiến nhiều người mơ ước là Khu đô thị Nam An Khánh (Hoài Đức) sau gần 20 năm, nhiều dãy biệt thự, nhà liền kề cũng rơi vào cảnh hoang hóa, lãng phí rất lớn.

Tình trạng biệt thự, nhà liền kề bị hoang hóa cũng xảy ra ở các khu đô thị: Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), Lideco (huyện Hoài Đức)... Tại một số biệt thự bỏ hoang này, người dân đã tận dụng đất trống chung quanh để trồng rau, quây rào nuôi gà, thả vịt. Không chỉ vậy, có nơi còn trở thành tụ điểm tệ nạn xã hội, nhiều đối tượng nghiện hút thường xuyên lui tới, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc nhiều biệt thự bị bỏ hoang không người ở tại một số khu đô thị là hệ quả tất yếu của giai đoạn thị trường bất động sản phát triển “nóng” (từ năm 2006 đến năm 2010). Với việc đua nhau làm dự án, tranh thủ đầu cơ, phát triển đô thị không theo quy hoạch, kế hoạch; hệ lụy là hàng loạt khu đô thị mới xuất hiện, trong đó phần lớn sản phẩm là biệt thự, nhà liền kề không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường. Vì thế, nhiều “nhà đầu tư” trót mua biệt thự, nhà liền kề lâm vào tình trạng “bán không được, ở không xong”.

Theo các chuyên gia bất động sản, những biệt thự bỏ hoang của Hà Nội hầu hết đã có chủ, hoặc của giới đầu cơ, hoặc của người dân, nhưng đều không được sử dụng. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư đồng bộ hạ tầng, từ đó mới thu hút được người dân đến ở. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách quyết liệt kiểm soát việc sở hữu nhà ở đối với những người đầu cơ nhằm tránh lãng phí đất đai, giảm được tình trạng biệt thự bỏ hoang.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong trường hợp không thu hồi, không chuyển đổi được nhà ở tại các khu đô thị bỏ hoang thì cơ quan chức năng phải yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện mặt ngoài các công trình nhằm giữ gìn cảnh quan đô thị. Bên cạnh đó, khi phê duyệt dự án, quy hoạch, các cấp có thẩm quyền nên phân bổ các phân khúc nhà chung cư, biệt thự… phù hợp; có thể giảm số lượng biệt thự, tăng số căn hộ chung cư để đáp ứng nhu cầu của xã hội, của người dân.