Thị trường bất động sản

Tìm hiểu kỹ tính pháp lý khi mua nhà chung cư

Rất nhiều dự án bất động sản đang được triển khai, quảng cáo rầm rộ, song để lựa chọn được căn hộ chung cư tốt không phải là chuyện dễ dàng đối với người mua nhà. Bên cạnh khả năng tài chính, sở thích của người mua nhà, thì vị trí, thiết kế, tiện ích căn hộ, tính pháp lý của dự án… là những điều người mua nhà cần lưu tâm.

Trên thực tế, không nhiều khách hàng hiểu hết các thủ tục pháp lý của dự án bất động sản. Và không phải ai cũng có thể hiểu hết các vấn đề được đưa vào hợp đồng mua bán. Chính việc vội vàng và không hiểu hết về pháp lý có thể khiến khách hàng dễ rơi vào rủi ro. Có khách hàng sau khi ký hợp đồng mới vỡ lẽ dự án chưa đầy đủ tính pháp lý, hoặc xây dựng trái phép, cho nên vướng mắc khi đi làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ đỏ).

Mới đây, Cục Thuế thành phố Hà Nội đã công khai danh sách 272 doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền thuê đất với số tiền nợ hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó có tới 156 doanh nghiệp vẫn chây ỳ nợ hơn 886 tỷ đồng tiền thuế từ các năm 2015, 2016 và 2017. Nếu tính từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thuế thành phố đã đăng công khai 1.021 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất với tổng số tiền nợ là 3.960 tỷ đồng. Trong số này, có doanh nghiệp khó khăn thật sự, nhưng cũng có không ít đơn vị cố tình dây dưa thực hiện nghĩa vụ thuế, dù đã hoàn thiện dự án và thu hết tiền của khách hàng.

Một số chuyên gia lĩnh vực tài chính cho rằng, việc người dân mua căn hộ ở dự án đang nợ tiền thuê đất sẽ chịu nhiều rủi ro. Đáng chú ý, khi chủ hộ có nhu cầu làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra tình trạng thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với thửa đất. Trường hợp chủ đầu tư nợ tiền thuế đất, cơ quan nhà nước có thể từ chối cấp sổ đỏ. Nếu chủ đầu tư bị phạt hành chính và tính lãi trên số nợ trả chậm, tiền phạt và tiền lãi đó sẽ lại “đổ” lên đầu khách hàng.

Ở một dạng khác, sai phạm của chủ đầu tư trong thực hiện quy hoạch, xây dựng cũng sẽ khiến người mua nhà chịu thiệt thòi. Như tại dự án 8B phố Lê Trực, hàng trăm gia đình mua nhà tại đây đã phải mòn mỏi chờ đợi mấy năm qua vì chủ đầu tư chưa khắc phục xong sai phạm. May mắn hơn dự án này vì đã được nhận nhà, nhưng 5, 6 năm qua, các hộ dân tại nhà CT6C Kiến Hưng (quận Hà Đông) như ngồi trên đống lửa khi mà tòa nhà này xây không phép trên khu đất vốn dĩ được quy hoạch làm sân chơi. Sai phạm lớn như vậy, cho nên chưa biết bao giờ hơn 400 căn hộ ở đây mới được hợp pháp hóa, khi mà cơ quan chức năng còn đang lúng túng chưa biết xử lý thế nào cho dứt điểm.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, tư vấn, định giá và quản lý tài sản CBRE cho rằng, khách hàng trước khi mua nhà nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm và uy tín chủ đầu tư từ các yếu tố về tiến độ, chất lượng dự án, đến khả năng vận hành tòa nhà, các quy định trong hợp đồng nhằm tránh những mâu thuẫn có thể xảy ra sau này. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác quản lý hơn nữa, tránh tình trạng để xảy ra sai phạm rồi mới chạy theo giải quyết và lúc đó, chỉ có người mua là chịu thiệt thòi nhất.