Thị trường bất động sản

Tiềm năng chưa được khai thác hết

Với kế hoạch phát triển các khu đô thị vệ tinh, những trục đường xuyên tâm hướng ra ngoại thành và các tỉnh, thành phố, thị trường bất động sản Hà Nội còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư.

Theo công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh doanh bất động sản là lĩnh vực “hút” vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn thứ ba trong hai tháng đầu năm 2018. Trong hai tháng qua, nhà đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực này với tổng vốn đầu tư đăng ký 312,1 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Hàn Quốc đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư 851,2 triệu USD, chiếm 25,5% tổng vốn đầu tư. Đầu tư nước ngoài có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, trong đó thành phố Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 44,25 tỷ USD (chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Bình Dương với 30,67 tỷ USD (chiếm 9,5%), Hà Nội với 27,69 tỷ USD (chiếm 8,6%).

Theo nhiều chuyên gia, dòng vốn FDI và nguồn kiều hối vẫn là nguồn lực quan trọng đầu tư vào nền kinh tế và thị trường bất động sản trong năm 2018. Sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp bổ sung vốn, kinh nghiệm, tính cạnh tranh và đa dạng sản phẩm, tạo lập các yếu tố nền tảng để thị trường có thể phát triển bền vững, từ đó gián tiếp mang lợi ích cho doanh nghiệp trong nước. Với bất động sản, lượng vốn FDI nhiều do trước đây các nhà đầu tư từ Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc... đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng, nghỉ dưỡng...

Nhưng hiện tại, họ hoạt động khá sôi nổi tại phân khúc nhà ở, thông qua việc kết hợp với doanh nghiệp trong nước.

Những năm qua, dòng vốn FDI vào bất động sản luôn chảy mạnh vào thành phố Hồ Chí Minh. Với Hà Nội, theo các chuyên gia, nguồn lực này chưa tương xứng vì nhiều nguyên nhân, một phần do chính sách của Hà Nội chưa thông thoáng hơn các địa phương khác. Do vậy, trên địa bàn Thủ đô, số lượng dự án bất động sản có vốn FDI chưa nhiều. Ví như quận Tây Hồ có Khu đô thị Ciputra, quận Hoàng Mai có Khu đô thị Gamuda và The Manor Central Park, quận Long Biên có dự án Hanoi Garden City, quận Hà Đông có Khu đô thị Park City, Daewoo Cleve, Booyoung Vina…

Trước xu thế hội nhập, những năm gần đây, lãnh đạo TP Hà Nội quyết liệt chỉ đạo thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư nhằm hút nguồn lực vốn FDI, trong đó có việc tạo lập phát triển đô thị.

Trong cuộc họp báo cuối năm vừa qua, bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam chia sẻ: Trong năm 2017, CBRE đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, họ đều thể hiện sự quan tâm tới các dự án mới tại Hà Nội, nhất là các khu đất trống có diện tích lớn, có thể triển khai dự án quy mô. Có thể bởi các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy sự sôi động của thị trường nhà ở. Rất có thể, năm 2018, nhiều dự án có dòng vốn nước ngoài sẽ được triển khai ở thị trường Hà Nội.

Gần đây, thông tin được giới đầu tư rất quan tâm là khoảng tháng 8 năm nay sẽ khởi động “Thành phố thông minh” thuộc Đồ án quy hoạch Nhật Tân - Nội Bài. Đây là dự án rất lớn với tổng giá trị hơn bốn tỷ USD, có quy mô 2.080 ha tại huyện Đông Anh, do Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) hợp tác phát triển. Thị trường bất động sản tại khu vực này đã hâm nóng hơn so với cuối năm 2017.

Hà Nội đã và đang xây dựng kế hoạch cải thiện khu vực ngoại thành, phát triển thành các đô thị vệ tinh của Thủ đô. Lĩnh vực giao thông của Hà Nội trong những năm gần đây cũng có sự thay đổi lớn, nhiều cây cầu và đường sá được xây mới từ sân bay đến khu trung tâm… Đó chính là những yếu tố rất quan trọng đối với các nhà đầu tư.