Thận trọng khi đầu tư bất động sản tại Ðông Anh

Với vị trí giao thông thuận lợi, có nhiều dự án lớn, huyện Ðông Anh đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản. Từ năm 2010, giá đất ở Ðông Anh đã trải qua nhiều cơn sốt nóng. Giai đoạn 2010 - 2011 và 2014 - 2015 là thời kỳ lên ngôi của đất nền Ðông Anh, khi giới đầu cơ đón đầu dự án cầu Nhật Tân, cầu Ðông Trù bắt đầu khởi công, rồi thông xe, tiếp theo đó là nhà ga T2 sân bay Nội Bài, tuyến đường 5 kéo dài được hoàn thiện. Thời điểm đó, nhiều người gom hàng tỷ đồng mua đất gần các dự án này, chờ giá lên để bán kiếm lời. Tuy nhiên, khi các công trình nêu trên đi vào hoạt động, các nhà đầu tư vẫn ngậm đắng nuốt cay vì giá

Ðến thời điểm hiện tại, khi Ðông Anh đang tập trung rà soát, đánh giá, cố gắng hoàn thiện toàn bộ tiêu chí để được công nhận là một quận vào năm 2020, nhất là khi dự án thành phố thông minh bắc Hà Nội diện tích 272 ha, vốn đầu tư 4,2 tỷ USD được động thổ, một lần nữa, thị trường đất nền ở huyện này lại bắt đầu "nóng". Trên trang web chuyên mua bán bất động sản, rất nhiều tin rao bất động sản khu vực xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ… gắn với lời quảng cáo liên quan tới dự án thành phố thông minh hàng tỷ USD. Những vị trí ở mặt đường, ngõ rộng, giá đất dao động từ 40 đến 60 triệu đồng/m2, những vị trí nằm trong ngõ, ngách cũng được chào bán từ 23 đến 30 triệu đồng/m2.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Ðính đánh giá, thông tin về việc khởi động dự án thành phố thông minh có tác động tới thị trường bất động sản khu vực này, nhiều dự án, đất đai chung quanh sẽ được hưởng lợi. Trên thực tế, không chỉ riêng Tập đoàn BRG, mà nhiều doanh nghiệp bất động sản khác đang đầu tư vào Ðông Anh như Sungroup, FLC, Vingroup… Tuy nhiên, hiện nay tất cả các dự án vẫn đang trong giai đoạn xin đầu tư và chờ phê duyệt. Những thông tin tích cực này làm đất đai chung quanh các dự án được quan tâm hơn, nhưng giao dịch lại không nhiều.

Ông Ðính phân tích, nguyên nhân giao dịch không nhiều vì đất Ðông Anh đã trải qua nhiều đợt sốt nóng trước đó, giá cũng đã được đẩy lên khá cao so với thực tế. Giá đất trong làng đã lên tới 20 triệu, 30 triệu đồng/m2, khó tăng cao được nữa. Trong khi đó, tại các dự án cũng chưa có gì để bán khiến các nhà đầu tư không mặn mà, thậm chí người mua để ở cũng phải tính toán rất kỹ. Ông Ðính khuyến cáo, trước khi quyết định có nên đầu tư vào đất khu vực này để "đón sóng", "chờ thời" hay không, cần cẩn trọng. Phải xem xét kỹ càng tính pháp lý, quy hoạch bất động sản mình dự định tham gia. Ðồng thời, phải xem xét tình hình thị trường khu vực định mua, tìm hiểu xem giao dịch mua bán chủ yếu tại đây là người tiêu dùng hay giới đầu cơ. Thứ ba, tốt nhất nên lựa chọn những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp, có uy tín để tìm hiểu.

Ðồng tình quan điểm này, Giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở Savills Việt Nam Dương Ðức Hiển cho rằng, trước khi đầu tư bất kỳ ở đâu, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ quy hoạch vùng, thận trọng tìm hiểu về tính pháp lý mảnh đất định đầu tư. Nếu muốn mua đất để "đón sóng" siêu dự án thì cũng cần theo dõi sát tiến độ dự án. Bởi một dự án từ lúc động thổ đến lúc thành hình hài, có dân về ở sẽ trải qua một thời gian với nhiều thủ tục, giai đoạn, cho nên nếu định "ăn xổi" sẽ khó thành công.