Cần thêm nhiều cơ chế cho nhà ở xã hội

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có hơn 6,3 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách, công nhân, người thu nhập thấp. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Hà Nội, cộng cả sáu dự án đã hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của 58 dự án nhà ở thương mại, dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020, Hà Nội vẫn còn thiếu hơn 2,1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn, nhưng nguồn cung thiếu, một số dự án đã hoàn thành nhưng ở vị trí xa trung tâm thành phố, việc đi lại khó khăn, cho nên chưa tạo sức hút đối với người mua. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư cũng không mặn mà với phân khúc này. Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhà ở xã hội được ưu đãi về thuế đất, nhưng bị khống chế về giá, lợi nhuận, trong khi giá vật liệu xây dựng, nhân công… không giảm. Do đó, lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội không bằng lợi nhuận khi đầu tư nhà ở thương mại, không thu hút nhà đầu tư. Nhất là từ khi gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng kết thúc cũng là thời điểm các dự án nhà ở xã hội triển khai rất chậm. Có dự án đang triển khai đã phải dừng lại vì thiếu vốn như dự án AZ Thăng Long Bright City (huyện Hoài Đức); có dự án đã hoàn thiện, nhưng bán hàng còn khó khăn vì khách hàng không được vay vốn ưu đãi như dự án nhà ở xã hội The Vesta (quận Hà Đông)…

Bên cạnh đó, vị trí không thuận lợi, việc thiếu kết nối hạ tầng của dự án với khu vực chung quanh cũng khiến cho nhiều dự án không thu hút được khách hàng. Thực tế, những dự án nhà ở xã hội gần trung tâm thành phố dù giá cao hơn, nhưng được nhiều khách đặt mua. Trong khi, các dự án ở ngoại thành, hạ tầng, giao thông không thuận lợi, giá thấp, thì có ít người lựa chọn. “Dù rẻ hơn khá nhiều, nhưng ngày nào cũng phải “rồng rắn” trên một số con đường xuyên tâm vào nội đô làm việc, khiến chi phí phát sinh cao và chắc chắn người mua không mặn mà”, nguyên Thứ trưởng Xây dựng Phạm Sỹ Liêm đánh giá.

Nhằm triển khai có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo, kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp đặc thù như nghiên cứu bổ sung quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi lập, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch đô thị; triển khai năm khu đô thị nhà ở xã hội tập trung tại bốn huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Thường Tín; rà soát toàn bộ quỹ đất 20% trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, kiên quyết thu hồi, hoặc dừng các dự án chậm triển khai để đề xuất vị trí quỹ đất phục vụ phát triển nhà ở xã hội giai đoạn đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Thành phố cũng đề nghị nghiên cứu các mô hình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù, như việc phát triển mô hình liên kết đầu tư giữa doanh nghiệp và đối tượng thu nhập thấp. Theo đó, doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ban đầu, hưởng lợi nhuận định mức, người dân ký hợp đồng với doanh nghiệp góp vốn và chỉ định chủ đầu tư. Ngoài ra, cho phép thành phố chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với các nhà đầu tư đã được lựa chọn lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500. Nghiên cứu miễn giảm thủ tục cấp phép xây dựng các công trình thuộc dự án nhà ở xã hội, tạo sự thông thoáng để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhiều hơn loại hình nhà ở này.