Tự chủ về tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập

Sở Tài chính Hà Nội đang tập hợp ý kiến của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn về Dự thảo nâng mức tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công (đợt 2). Các đơn vị tự nguyện đăng ký nâng mức tự chủ tài chính cần đề xuất rõ các giải pháp để tăng nguồn tài chính, bảo đảm chi thường xuyên của đơn vị mình.

Theo Kế hoạch số 137/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 18-6-2018, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2018 - 2021 có 257 đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên; hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên. Trong đó, đợt 1 thành phố đặt mục tiêu đạt 197 đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Mục tiêu đợt 2 là có thêm 61 đơn vị tự chủ tài chính.

Năm 2017, Hà Nội có 2.575 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó không có đơn vị nào tự bảo đảm được chi đầu tư và chi thường xuyên. Chỉ có 100 đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và 961 đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên. Còn lại, 1.514 đơn vị mới tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. Năm 2018, nhờ việc sáp nhập, kiện toàn số đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố đã giảm 33 đơn vị. Sau khi triển khai đợt 1, cơ bản các đơn vị đã thực hiện đúng lộ trình nâng mức tự chủ. Bước sang đợt 2, trong dự thảo kế hoạch, Sở Tài chính đề xuất đạt số lượng 106 đơn vị tự chủ tài chính, tăng 45 đơn vị so với mục tiêu Kế hoạch 137/KH-UBND đề ra.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải giải thích, hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập được đề xuất nâng mức tự chủ tài chính đợt 2 đều là những đơn vị có mức tự bảo đảm tài chính thấp (dưới 50%), khả năng tăng thu, tạo nguồn thu dịch vụ sự nghiệp không cao. Do đó, Sở Tài chính đề xuất nguyên tắc rà soát, lựa chọn các đơn vị có khả năng nâng mức tự chủ tài chính trên nhiều tiêu chí. Sở ưu tiên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập tự nguyện nâng mức tự chủ tài chính và chủ động xây dựng phương án, lộ trình thực hiện. Đồng thời, thành phố sẽ thực hiện thí điểm chuyển cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho đơn vị thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, đơn vị nào chưa thể nâng mức tự chủ tài chính sẽ báo cáo để điều chỉnh lại, nhưng vẫn phấn đấu đạt mục tiêu 61 đơn vị như đã đề ra.

Sở Tài chính đã đưa ra nhiều đề xuất cho từng nhóm đơn vị sự nghiệp. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, sẽ sáp nhập trường trung cấp và trường cao đẳng, giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Với lĩnh vực y tế, Sở đề xuất Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng tự bảo đảm một phần chi thường xuyên. 35 đơn vị là các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và trung tâm khác thuộc lĩnh vực y tế sẽ nâng mức tự chủ tài chính... Đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh, quan trọng nhất là các đơn vị phải đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm mạnh đầu mối, bỏ trung gian... nhằm tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn thu và nâng mức tự chủ tài chính của đơn vị, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.