Tiếp tục hạ lãi suất

Việc một số ngân hàng cổ phần tiếp tục giảm lãi suất được cho là bắt nguồn từ thông tin Ngân hàng Nhà nước có thể cắt giảm lãi suất thị trường mở (OMO) trên cơ sở lạm phát diễn biến tích cực.
Ngày 11-3, Sacombank đã thông báo biểu lãi suất mới, giảm 0,1% ở một số kỳ hạn từ bốn đến năm tháng. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm bốn tháng chỉ còn 4,8% và năm tháng chỉ còn 5%. So với các ngân hàng cổ phần khác, lãi suất kỳ hạn sáu tháng của Sacombank cũng khá thấp, chỉ 5,1%. Eximbank cũng điều chỉnh lãi suất từ ngày 10-3 cho các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng. Lãi suất huy động từ ba đến năm tháng đều được giảm về 4,8% một năm.

Điều này đúng như phân tích của một số chuyên gia ngân hàng từ hồi cuối năm 2014 và đầu năm nay, với lạm phát thấp, thanh khoản hệ thống dồi dào... thì các ngân hàng thương mại còn dư địa để tiếp tục hạ lãi suất huy động vốn. Ngay từ đầu tháng 3 này, một số ngân hàng khác cũng đã hạ lãi suất huy động. Bắc Á Bank đã hạ mức lãi suất cao nhất 7,9%/năm ở các kỳ hạn dài xuống còn 7,65%/năm. Agribank thực hiện giảm 0,2 đến 0,4%/năm ở một số kỳ hạn...

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc hạ lãi suất khó có thể diễn ra trên diện rộng, bởi tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại khác nhau. Hoạt động cho vay mới còn hạn chế, phần không nhỏ là đáo hạn để giảm lãi suất khoản vay cũ. Ngoài ra, trái phiếu và huy động khác của Chính phủ quá lớn chèn ép tín dụng của khu vực tư nhân và năm 2015 Chính phủ dự kiến tung ra thị trường một khoản khổng lồ trái phiếu Chính phủ. Mặt khác, USD lên giá thì lãi suất USD sẽ tăng, phải duy trì khoảng cách nhất định khoảng cách VND và USD để hạn chế đô-la hóa. Song, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung phân tích, để giảm chi phí cho doanh nghiệp, thị trường tín dụng vận hành đúng theo thị trường, thì phải giảm lãi suất đều trên thị trường. Do đó, việc điều hành tín dụng phải gắn với mục tiêu ổn định lãi suất trong trung - dài hạn, dựa trên nền tảng ổn định lạm phát ở mức thấp để neo kỳ vọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đã nêu định hướng điều hành chính sách tiền tệ là chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (dưới 5%), ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (6,2%), bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm, hỗ trợ thị trường tài chính trong huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Vẫn còn những ý kiến lo ngại trước vấn đề hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, song phần lớn chuyên gia nhìn nhận, giảm lãi suất huy động là tín hiệu tốt cho nền kinh tế. "Nếu chi phí đầu vào vẫn giữ như hiện nay, lãi suất đầu ra vẫn ở mức 8% đến 10%/năm thì doanh nghiệp không dám vay vốn. Nhưng nếu lãi suất huy động giảm thêm, ngân hàng sẽ giảm tiếp lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay ở mức 5% đến 6%/năm thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn vay. Lúc đấy tín dụng mới thoát ra được" - chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch phân tích. Và, dẫu rằng, Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra quyết sách bằng văn bản hành chính, nhưng động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của một số ngân hàng là cơ hội giảm tiếp lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia, đây là điều kiện tốt để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay.