Tài chính - Ngân hàng

Tạo dựng cộng đồng doanh nghiệp mạnh

Hà Nội đã và đang xây dựng các chính sách để tạo dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh. Từ đó, có những đóng góp lớn hơn vào sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, sáu tháng đầu năm nay, kinh tế vĩ mô của Thủ đô tiếp tục ổn định; thu hút đầu tư đạt khá; các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng cao hơn cùng kỳ. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 tăng một bậc, xếp thứ 13 trong số 63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) tăng một bậc, đứng vị trí 2 trong số 63 tỉnh, thành phố. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 5,92 tỷ USD, gấp 5,4 lần so cùng kỳ năm 2017, tạm vượt lên đứng đầu cả nước. Duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng; có 12,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký 124 nghìn tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 120 nghìn tỷ đồng, bằng 50,4% dự toán, tăng 19% so cùng kỳ năm trước.

Dẫu vậy, trong hội nghị giao ban UBND thành phố sáu tháng đầu năm 2018 hôm 9-7, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung cho rằng, việc thu ngân sách chưa bền vững. Thái độ của một bộ phận cán bộ, công chức ở cơ sở trong quá trình giải quyết thủ tục cho người dân còn để xảy ra sự cố; việc triển khai cắt giảm thủ tục hành chính của các đơn vị còn chậm.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều thay đổi trong công tác cải cách hành chính. Các thủ tục được thực hiện nhanh chóng, công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa như kỳ vọng, bởi còn những rào cản trong ý thức thực hiện của cán bộ, công chức, đôi lúc còn xuất hiện hiện tượng nhũng nhiễu. Vì thế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Hà Nội cần có những quyết sách làm đổi mới mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Ðại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ, mong muốn Hà Nội tạo điều kiện hơn nữa để các doanh nghiệp phát triển. Khi tạo ra cộng đồng doanh nghiệp mạnh, càng có điều kiện đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển bền vững của Thủ đô, nhất là trong giai đoạn đang thực hiện chủ trương của Chính phủ về một quốc gia khởi nghiệp, với những thuận lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Lãnh đạo thành phố cho biết, Hà Nội đã xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo. Hiện tại, Hà Nội có cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp StartupCity.vn từ ngày 10-10-2017. Ðến nay, đã có hơn 800 doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái này. Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp StartupCity.vn là địa chỉ đáng tin cậy giúp các startup có môi trường minh bạch để liên kết, tìm hiểu, cũng như có thông tin minh bạch, qua đó sẽ giúp các startup xây dựng mối quan hệ với các startup nước ngoài trong thời gian tới. "Tuy nhiên chúng ta cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để thành phố hướng tới trở thành một trung tâm khởi nghiệp theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ" - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung cho hay.

Cũng theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ðức Chung, Hà Nội sẽ đưa ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo ngoại ngữ vào trường học. Thời gian gần đây, Xin-ga-po và một số quốc gia đã bắt đầu đưa công nghệ 3D, công nghệ thực tế ảo vào dạy học. Nếu áp dụng thành công, trong 10 đến 15 năm tới, Hà Nội sẽ có một thế hệ nguồn nhân lực nắm chắc được một trong những công nghệ quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0.

Lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận, để kinh tế Thủ đô phát triển bền vững, xứng tầm với vị thế, tiềm năng, thế mạnh, Hà Nội còn phải triển khai đồng bộ các giải pháp từ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức đến kiểm soát đầu tư, tiết kiệm chi phí... Trong đó, giai đoạn này thực hiện các giải pháp mạnh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trước xu thế phát triển chung toàn cầu, với tinh thần "lấy sự hài lòng của nhân dân và doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ".