Tạo đà để bứt phá

Đến thời điểm này, có thể khẳng định kinh tế Thủ đô đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, thu ngân sách vượt kế hoạch; thu hút vốn đầu tư tăng cao; số doanh nghiệp không ngừng tăng, có 25.160 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11%, vốn đăng ký 240.000 tỷ đồng, tăng 4%...

Từ những thuận lợi đó, mới đây, HÐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Hà Nội xác định sẽ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường. Hà Nội sẽ bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thực hiện năm "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị". Một số chỉ tiêu chủ yếu được Hà Nội đề ra cho năm 2018 là: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3-7,8% (theo cách tính mới); vốn đầu tư xã hội tăng 11%-12%; giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng 7,5-8%; tỷ lệ hộ dân ở khu vực thành thị sử dụng nước sạch đạt gần 100%, ở nông thôn là 55%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,3%; tỷ lệ rác thải thu gom và vận chuyển trong ngày ở khu vực đô thị đạt 98%, ở khu vực nông thôn đạt 88%...

Ðể đạt mục tiêu, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội cần có chủ trương giải quyết các thách thức đặt ra bởi cách mạng công nghiệp 4.0. Có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh năm 2018, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng giảm về 0%. Hà Nội cũng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Riêng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố cần tiếp tục cải thiện các thành phần để nâng cao chỉ số PCI, nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ, tính công khai minh bạch về thông tin thủ tục hành chính; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức.

Với kế hoạch tăng số doanh nghiệp đạt là hơn 400 nghìn vào năm 2020, ba năm nữa phải tăng 150 nghìn doanh nghiệp, chưa kể những doanh nghiệp đóng cửa, trung bình mỗi năm cần có hơn 50 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Ðây là thử thách lớn bởi năm 2017 có hơn 25 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tồn tại, tạo môi trường thuận lợi và thành lập doanh nghiệp mới cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể. Ðối với chính sách khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp, cần tăng cường xã hội hóa kêu gọi trách nhiệm của những doanh nghiệp lớn. Ðể vườn ươm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn nữa, phải hỗ trợ ban đầu như cấp đất, hỗ trợ hạ tầng, đồng thời tạo cơ chế giúp doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội.

Chuyên gia Võ Trí Thành nhìn nhận, du lịch, dịch vụ thương mại, công nghiệp công nghệ cao là thế mạnh sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho Hà Nội. Ba khía cạnh để phát triển toàn diện một thành phố là: Chính quyền điện tử để tăng hiệu quả phục vụ, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; ứng dụng cung cấp các thông tin để cuộc sống của người dân thuận lợi hơn, các doanh nghiệp có sức sáng tạo tốt hơn, dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp sẽ truyền đi những thông điệp tích cực đến người dân, doanh nghiệp và để đón đầu làn sóng đầu tư. Trong bối cảnh Hà Nội đang hướng đến một đô thị thông minh, xanh, sạch, rất cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học hướng đến thương mại hóa và áp dụng thực tiễn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.