Tài chính - ngân hàng

Quen mạo hiểm có thể chơi chứng khoán

Dòng tiền dường như đã quay lại thị trường khi một số phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp khá thành công. Trong phiên tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Tràng Thi diễn ra sáng 22-6 do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức, với hơn 3,1 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, đã thu hút sự tham dự của 40 nhà đầu tư, với tổng khối lượng đăng ký mua đạt hơn 42,5 triệu cổ phần (cao gấp 13,7 lần số cổ phần đưa ra chào bán).

Đáng chú ý, có nhà đầu tư đặt mua 100% số cổ phiếu chào bán; giá đặt mua cao nhất 82.000 đồng/cổ phần. Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết cho hai nhà đầu tư cá nhân, với giá đấu thành công duy nhất là 82.000 đồng/cổ phần (gấp 8,2 lần so với giá khởi điểm). Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 255,1 tỷ đồng, cao hơn 224 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm.

Trước đó, hồi đầu tháng 6, tại phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty TNHH MTV Giày Thượng Đình, với hơn 1,9 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần cũng thu hút sự tham dự của 32 nhà đầu tư. Đã có nhà đầu tư đặt mua 100% số cổ phiếu chào bán; giá đấu thành công cao nhất 51.000 đồng/cổ phần (gấp 5,1 lần so với giá khởi điểm), giá đấu thành công thấp nhất là 44.000 đồng/cổ phần. Kết quả, 100% số cổ phần đưa ra chào bán đã được bán hết cho ba nhà đầu tư cá nhân.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, sức hút từ thị trường IPO đang tăng, bởi năm 2014, nhiều đợt đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp đã thất bại, do nhà đầu tư không mấy mặn mà. Việc các doanh nghiệp minh bạch hơn trong bản cáo bạch chuẩn bị IPO nêu cụ thể phương án cũng như thời điểm niêm yết cổ phiếu sau IPO, là một trong những nguyên nhân đẩy cổ phiếu đưa ra IPO đắt hàng hơn.Với thị trường chứng khoán, diễn biến trong hai tuần gần đây cho thấy sự lên xuống không đều. Trong tuần giữa của tháng 6, thị trường có sự tích lũy trong biên độ hẹp đồng thời các mốc hỗ trợ ngắn hạn của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index vẫn được giữ vững. Song, thanh khoản bắt đầu suy yếu, nhất là trong các phiên điều chỉnh. Xu thế giao dịch của thị trường cho thấy tâm lý thận trọng đã xuất hiện, mặc dù áp lực bán chưa thực sự lớn và lực mua giá thấp vẫn duy trì khá ổn định, nhờ đó mà các phiên điều chỉnh sâu đã không diễn ra. Tuy nhiên, đến đầu tuần cuối tháng 6, thị trường chứng kiến nhiều nhà đầu tư khớp lệnh bán, nhưng ít lệnh bên mua. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23 - 6, VN-Index giảm 1,01 điểm xuống 593,07 điểm, HNX-Index giảm 0,34 điểm xuống 86,75 điểm.

Nhận xét về diễn biến trên, chuyên gia của BSC cho rằng, thị trường đang đi vào vùng cân bằng hơn, thanh khoản suy giảm phiên thứ hai liên tiếp. Dòng tiền có dấu hiệu chờ đợi khi không tham gia vào thị trường. “Nhà đầu tư mạo hiểm có thể chốt lãi dần. Nhà đầu tư thận trọng tiếp tục chờ đợi các phiên giảm điểm để mở vị thế mua” - chuyên gia BSC khuyến cáo. Đồng quan điểm, chuyên gia VietinBankSc lại khuyến cáo nhà đầu tư nên quan sát diễn biến thị trường, hạn chế giao dịch, có thể mua vào nếu chỉ số điều chỉnh về vùng 570 - 575 với khối lượng thấp và bật tăng trở lại.

Phân tích kỹ hơn, có chuyên gia nhận định, VN-Index sau hơn ba năm tăng (năm 2012 tăng 17,7%, năm 2013 tăng 20,9%, năm 2014 tăng 8,1%, 5 tháng đầu năm 2015 tăng 6,67%), năm nay có thể sẽ lặp lại: Tăng khá cao vào đầu và giữa năm, giảm mạnh vào cuối năm. Tuy nhiên, cả năm nay sẽ khó tăng như hai tháng đầu năm, thậm chí cuối năm còn giảm mạnh hơn, bởi sau khi chứng khoán vượt qua đỉnh sang dốc bên kia thì một lượng vốn không nhỏ ở thị trường này sẽ chuyển sang kênh khác. Nếu ai quen mạo hiểm và có trình độ về cổ phiếu thì có thể chơi chứng khoán. Từ nay tới cuối tháng, nhà đầu tư mạo hiểm có thể xem xét chốt lời trong các phiên tăng, ai thận trọng nên kiên nhẫn chờ các phiên điều chỉnh để mua vào các cổ phiếu cơ bản.