Tài chính - Ngân hàng

Ổn định thị trường ngoại hối

Theo Thông tư số 24/2015 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-4, các ngân hàng thương mại chấm dứt cho các doanh nghiệp vay ngoại tệ rồi chuyển thành VND để mua nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất kinh doanh. Chỉ những doanh nghiệp nhập khẩu có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ mới được ngân hàng cho vay ngoại tệ.

Theo các chuyên gia tài chính, việc thực thi quy định này vào thời điểm này là hợp lý để từng bước thực hiện lộ trình chống đô-la hóa nền kinh tế. Dự báo, tới đây, nguồn vốn ngoại tệ sẽ tăng do nhu cầu vay ngoại tệ giảm cho nên các ngân hàng không cần đẩy mạnh các hoạt động huy động ngoại tệ. Nhưng đồng thời, các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn VND để đáp ứng nhu cầu của khách hàng chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang vay VND.

Về vấn đề này, đại diện một số ngân hàng cho biết việc giải quyết không khó, bởi ngân hàng có thể dùng nhiều kênh để sử dụng vốn khác nhau, thí dụ nhóm đối tượng vẫn được vay ngoại tệ có thể đẩy mạnh cung ứng vốn cho nhóm đối tượng này hoặc đẩy mạnh cho vay liên ngân hàng hoặc gửi ở trên thị trường thế giới.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, từ khi Thông tư số 24/2015 có hiệu lực đến nay đã ngót một tháng trôi qua, vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trái chiều. Giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu phụ tùng ô-tô tại Hà Nội cho biết, công ty không bị ảnh hưởng gì vì quy định mới. Mặc dù khi cần vốn, công ty vẫn là đối tượng được vay USD nhưng điều quan trọng hơn là lãnh đạo công ty đã có sự chuẩn bị từ trước.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong thời điểm hiện nay, với cơ chế điều hành tỷ giá biến động linh hoạt tăng giảm hằng ngày, khi siết lại cơ chế vay USD, doanh nghiệp vay bằng VND với lãi suất như hiện nay rồi đổi sang thanh toán bằng USD đều ngang nhau. Bà Hà Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Hệ thống và Xúc tiến thương mại CG (doanh nghiệp chuyên xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị) cho biết, với cơ chế tỷ giá như trước đây, doanh nghiệp vay vốn bằng USD có thể được lợi khi tỷ giá được điều chỉnh tăng với biên độ lớn. Nhưng hiện nay, với những ưu đãi từ ngân hàng, cùng với uy tín của doanh nghiệp, vốn vay bằng VND ở mức 8% đến 10%/năm cho nên khi quy đổi ra USD đều nhận được giá trị tương đương. Hơn nữa, khi cần thanh toán với khách hàng bằng USD, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng dịch vụ quy đổi ngoại tệ của ngân hàng với chi phí hợp lý và ưu đãi. Trong khi đó, đại diện Công ty Cổ phần tôn Đông Á cho rằng, chủ trương chống đô-la hóa của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết, giảm phần nào rủi ro cho doanh nghiệp trong các tình huống thị trường ngoại tệ biến động. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, vì doanh nghiệp xuất khẩu có chiến lược thị trường khác hoàn toàn với doanh nghiệp sản xuất nội địa... Cũng có ý kiến cho rằng nên linh hoạt trong chủ trương dừng cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, làm sao bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong nước. Bởi có những doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thiết bị, máy móc phải mua ngoại tệ ở các ngân hàng để thanh toán hàng nhập khẩu, không thể vay vốn USD, vì không có nguồn thu ngoại tệ.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Bùi Quốc Dũng, việc dừng cho vay ngoại tệ đối với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới sẽ góp phần ổn định thị trường ngoại hối và tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng nội tệ. Từ khi áp dụng chính sách lãi suất USD 0%, tiền gửi ngoại tệ của cá nhân liên tục giảm. Số liệu thống kê cũng cho thấy tính đến cuối tháng 3, huy động ngoại tệ giảm gần 3% so cuối năm 2015. Tuy nhiên, thực tế lãi suất cho vay ngoại tệ vẫn ở mức cao 3 đến 4%/năm, thậm chí có ngân hàng thương mại cho vay đến 4 đến 5%/năm ngắn hạn và 5,5 đến 6,0%/năm vốn vay ngoại tệ trung, dài hạn.