TÀI CHÍNH - NGÂN HÀNG

Kinh tế Thủ đô có nhiều khởi sắc

Theo đánh giá của Cục Thống kê Hà Nội, sau thời gian dài trì trệ do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp của Hà Nội đã phát triển tương đối ổn định, với nhịp độ tăng trưởng khả quan.

Báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, bức tranh kinh tế Thủ đô đã có những điểm sáng: Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 8 tăng 7,8% so cùng kỳ năm 2015. Lũy kế tám tháng, chỉ số này đã tăng 7,1% so cùng kỳ. Một số sản phẩm ngành công nghiệp tăng cao so cùng kỳ, như: Vải dệt kim tăng 20,2%; giấy, bìa dùng để viết và in tăng 164,8%; tủ lạnh tăng 44,1%; phụ tùng xe có động cơ tăng 18%; phụ tùng mô-tô, xe máy tăng 21%; điện thương phẩm tăng 7,6%… Dự báo trong những tháng tới, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục ổn định và có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ năm 2015. Báo cáo của Cục Thống kê cũng ghi nhận đà tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, như: Vốn đầu tư phát triển tăng 10,7%; tổng mức bán hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 9,5%, trong đó tổng mức bán lẻ đạt 325.427 tỷ đồng, tăng 8,4%; tăng trưởng tín dụng đạt 10,3%, trong khi huy động vốn tăng 5,5%; môi trường đầu tư cũng có chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư trong nước… Để tiếp tục tạo đà cho kinh tế Thủ đô phát triển, thành phố đang có những giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh các chương trình liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, như rút ngắn thời gian, thủ tục về đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”. Cùng với đó, triển khai các biện pháp để công tác chỉ đạo điều hành của thành phố quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn, nhất là những lĩnh vực, nhiệm vụ, chỉ tiêu chưa đạt hoặc tốc độ tăng chậm.

Để đẩy nhanh tăng trưởng và phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 8,5% đến 9,5% đã đề ra, thành phố tiếp tục triển khai các đề án như chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng và nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể: Đẩy mạnh các chương trình liên kết vùng tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp: Đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan… theo hướng tăng cường một cửa liên thông, hướng tới “một cửa liên thông điện tử”. Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phù hợp với những cam kết quốc tế trong các lĩnh vực… Điều đáng nói là, thành phố cũng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”; “một việc - một đầu mối xuyên suốt” và thường xuyên kiểm điểm tiến độ triển khai chương trình công tác năm 2016… “Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tập trung rà soát giảm mạnh thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần phát huy vai trò đầu tàu kinh tế đất nước, tạo động lực, tăng cường liên kết với kinh tế các địa phương trong vùng Thủ đô và các địa phương khác. Để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ đô sẽ tiếp tục phải có những cải cách mạnh mẽ hơn về thể chế, phân cấp mạnh hơn cho địa phương, tăng tính tự chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành… Điều đó góp phần không nhỏ giúp kinh tế Thủ đô nói riêng và nền kinh tế cả nước nói chung phát triển bền vững hơn.