Tài chính - ngân hàng

Khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo

Mặc dù vốn huy động tăng mạnh, song Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội lại gặp không ít khó khăn trong vấn đề xử lý tài sản đảm bảo. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, tính đến ngày 30-6-2015, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố đạt gần 1.300.000 tỷ đồng, tăng 8,59% so với cuối năm 2014. Đáng chú ý, nguồn vốn huy động kỳ hạn dài trên 12 tháng tăng nhanh, tăng mạnh, chiếm 30,6% tổng nguồn vốn huy động.

Hầu hết các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn và tăng lãi suất kỳ hạn dài để cân đối nguồn vốn. Đến ngày 30-6, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 11,82% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 7,2%; dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 7,5%, lĩnh vực xuất khẩu tăng 7,7%...
Tuy nhiên, tồn đọng trong xử lý nợ tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu trên địa
bàn thành phố đến ngày 15-6-2015 còn khoảng 577 vụ việc, với gần 14 nghìn tỷ đồng (chỉ thống kê các vụ từ một tỷ đồng trở lên). Nhiều hạn chế, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để do thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Đơn cử, với tài sản đảm bảo là bất động sản, liên quan đến rất nhiều cơ quan như Cục Thuế, Công an, UBND các cấp, văn phòng nhà đất… Muốn xử lý, ngân hàng phải thu giữ được phần tài sản này. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên thường trì hoãn việc chuyển giao tài sản đảm bảo.
Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội Phạm Thị Hằng cho biết, chi nhánh có 70% số khoản vay thế chấp bằng bất động sản, song xử lý rất khó khăn. Mặc dù trong hợp đồng giữa ngân hàng với khách hàng đã được công chứng có điều kiện rõ ràng, ngân hàng toàn quyền xử lý tài sản khi khách hàng không trả được nợ, nhưng thực tế, ngân hàng không thể thực hiện thu giữ tài sản đó, bởi còn nhiều vướng mắc từ các quy định khác. Vì vậy, bà Phạm Thị Hằng kiến nghị, hệ thống pháp luật cần có cơ chế để doanh nghiệp không thể và không dám trốn nợ. Có thực tế là, không ít doanh nghiệp và các pháp nhân đã từng có nợ xấu và cố tình không trả nợ ngân hàng.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan, cơ quan chính quyền địa phương tăng cường phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo để thu nợ. Các cơ quan cần chỉ đạo thực hiện sớm các đề nghị của tổ chức tín dụng, tích cực tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng và bên mua tài sản về việc hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản. Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội kiến nghị, UBND thành phố thành lập trung tâm giao dịch và hỗ trợ pháp lý đối với các tài sản mà tổ chức tín dụng có nhu cầu xử lý để tạo thêm một kênh giúp việc xử lý tài sản đảm bảo được nhanh hơn. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương đề xuất Chính phủ, sớm chỉnh sửa, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Công an, UBND nơi tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo trong việc phối hợp với các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng thu giữ tài sản đảm bảo để giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý.
TRONG cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, sẽ có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng, các quận, huyện, thị xã phối hợp với ngân hàng trong thu hồi, phát mại tài sản thế chấp, để kéo giảm số nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn xuống dưới 5% như hiện nay. Một số chuyên gia cho rằng, nên chăng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội công bố công khai các doanh nghiệp, pháp nhân có vướng mắc trong xử lý nợ tài sản đảm bảo, như ngành thuế đã làm đối với hàng chục doanh nghiệp nợ thuế. Qua đó, sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện “thuận buồm xuôi gió” trong việc xử lý tài sản đảm bảo.