Tài chính - ngân hàng

Hạn chế nợ thuế

Theo báo cáo của Sở Tài chính Hà Nội, quý I - 2016, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố đạt 19.876 tỷ đồng, bằng 41% dự toán năm, trong đó thu tiền sử dụng đất 7.346 tỷ đồng, đạt 81% dự toán. Để đạt được kết quả đó, ngoài việc tích cực cải cách hành chính thuế, còn có sự đóng góp không nhỏ của việc thực hiện biện pháp nêu tên doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng thuế.

Lo ngại tình trạng nợ đọng thuế gia tăng, ngành thuế Hà Nội đã phải nêu tên doanh nghiệp nợ thuế, bởi nếu như năm 2007 số nợ thuế có khả năng thu là 2.090 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5% trên tổng số thu nội địa của thành phố, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 18.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 17,3% trên tổng số thu nội địa. Vì thế, ngoài các giải pháp lắng nghe, cùng tháo gỡ các vướng mắc về thuế để hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thì cơ quan chức năng cũng buộc phải tính tới chuyện công khai các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng thuế. Khi bị công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, do lo ngại bị ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động sản xuất, kinh doanh nên doanh nghiệp phải tìm nguồn trả nợ. Ngày 8-4, lần thứ tư trong năm 2016, Cục Thuế Hà Nội đã tiếp tục nêu tên 119 đơn vị nợ thuế, với tổng số tiền 204,4 tỷ đồng. Vẫn như các lần trước, nằm TOP đầu về con số nợ thuế, phí, nợ tiền thuê đất vẫn là khối doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, với những tên tuổi khá lớn như Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hồng Hà (nợ gần 21 tỷ đồng), Công ty TNHH Ngân Giang (nợ hơn 11,5 tỷ đồng tiền thuê đất), Công ty CP Đầu tư xây dựng tư vấn thiết kế Constrexim (nợ hơn 10,7 tỷ đồng tiền thuế, phí)... Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, trong năm 2015, số nợ thu được sau bảy lần nêu tên doanh nghiệp là 9.758 tỷ đồng, đã có 311 trên tổng số 627 đơn vị thu xếp nguồn tài chính và nộp nợ vào ngân sách với số tiền gần 1.771 tỷ đồng, đã có 30 đơn vị nộp hết nợ. Riêng hai tháng đầu năm 2016, sau hai đợt công khai 257 đơn vị nợ thuế đã thu được 36,2 tỷ đồng.

Nhiều chi cục thuế trên địa bàn cho biết, để thu nợ những doanh nghiệp cố tình chây ỳ rất khó khăn, vất vả. Do đó, phải thực hiện các biện pháp mạnh như cưỡng chế tài khoản, tuy nhiên, có tình trạng, cơ quan thuế cưỡng chế tài khoản này, doanh nghiệp lại tìm cách để có tài khoản khác. Thậm chí, có doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới. Vì vậy, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo thu hồi nợ thuế gồm tất cả các sở, ban, ngành, địa phương liên quan... Lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội chia sẻ, việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế không chỉ có tác động trực tiếp với đơn vị nợ thuế mà còn là cảnh báo với các đơn vị nợ khác. Cơ quan thuế luôn ưu tiên các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những doanh nghiệp chây ỳ, cơ quan thuế áp dụng các giải pháp quyết liệt để thu nợ. Đây là việc làm cần thiết, bảo đảm sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Trong một diễn biến có liên quan đến vấn đề này, khi thảo luận về Luật Quản lý thuế tại Kỳ họp Quốc hội hồi tháng 3 vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng cần có biện pháp mạnh và nâng mức phạt đối với doanh nghiệp chây ỳ nộp thuế. Thường vụ Quốc hội cũng nhận định, việc quy định mức phạt tiền chậm nộp 0,03% là thấp, thấp hơn mức lãi suất hiện hành của các ngân hàng thương mại, sẽ dẫn đến trường hợp doanh nghiệp cố tình chậm nộp tiền thuế cho Nhà nước… Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ đã xin Quốc hội cho phép điều chỉnh quy định mức phạt chậm nộp là 0,04%/ngày thay vì mức 0,03%/ngày như Dự thảo luật đã trình Quốc hội.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc nâng mức phạt chậm nộp là cần thiết để tạo tính răn đe. Việc nộp thuế là nghĩa vụ của các đơn vị mua bán, kinh doanh. Nếu đơn vị nào có điều kiện mà không chịu nộp rất cần kiên quyết xử lý ngay chứ không nên để kéo dài, kể cả dùng đến biện pháp mạnh là cưỡng chế nợ thuế… Như vậy mới bảo đảm nguồn thu ngân sách, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.